Đại tướng Phan Văn Giang trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Theo đó, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết có tác động đến công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như: Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019,... đòi hỏi phải xây dựng luật để điều chỉnh, nâng cao tính pháp lý của những quy định về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại tướng Phan Văn Giang trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Bên cạnh đó, từ các kết quả tổng kết cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập trên các lĩnh vực như: Chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp của Bộ Quốc phòng, về công nghiệp an ninh của Bộ Công an; tính lưỡng dụng trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ chế ưu tiên nguồn lực cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; vấn đề hợp tác quốc tế trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp...

Ngoài ra, theo Đại tướng Phan Văn Giang, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh quốc gia.

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.

"Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh. 

Đặc biệt, việc xây dựng luật cũng nhằm huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng cho biết, dự thảo luật cũng bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp; đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết những nội dung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

"Bảo đảm gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được và đã làm thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của một số nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn Việt Nam về tổ chức, hoạt động của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Đại tướng Phan Văn Giang cho biết thêm. 

Đại tướng Phan Văn Giang trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Quang cảnh phiên họp chiều 8/11

Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay; nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng đánh giá, hồ sơ dự án luật đã được Chính phủ trình cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nhưng cần nghiên cứu, tiếp tục rà soát, bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản quy định chi tiết, đánh giá thêm tác động về chi phí, ngân sách để bảo đảm tính khả thi.

Nội dung của dự thảo luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cũng cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cơ bản bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm chỉ đạo của Đảng, với các mục tiêu, yêu cầu như: Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; …trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh; công nghiệp quốc phòng phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại; tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Đồng thời, nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các luật, pháp lệnh có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật...

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn