Cử tri Hải Phòng kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Sáng 14/10, tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cùng các vị đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.

Cử tri Hải Phòng kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu

Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Lã Thanh Tân báo cáo với cử tri về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 16/11/2023. Đợt 2 từ ngày 24/11 đến ngày 29/11/2023.

Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật. Đó là các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Cử tri Hải Phòng kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri

Cũng trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào 8 dự án luật. Đó là dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Cùng với đó, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Trong hoạt động giám sát, ngoài các hoạt động giám sát như tại các kỳ họp, tiến hành giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Cử tri kiến nghị tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Cử tri Phạm Văn Tuyền (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) cho biết, cử tri tin tưởng và đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng và các vị Đại biểu Quốc hội; trước hết là sự đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trong đợt dịch bệnh Covid-19 vẫn bảo đảm nền nếp và chất lượng, phù hợp với thực tế.

Cử tri Hải Phòng kiến nghị Quốc hội xem xét tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Cử tri Phạm Văn Tuyền (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) phát biểu

Trong hoạt động đối ngoại Quốc hội kỳ này đã làm được nhiều việc quan trọng tạo, nên vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và đất nước ta nói chung được nâng cao trên thế giới, trong đó có vai trò rất lớn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cử tri mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tháo gỡ các nút thắt tồn tại nhiều năm qua; đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người lao động trong tình hình mới; đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát tối cao các lĩnh vực nhạy cảm dễ dẫn đến tiêu cực, nhất là lĩnh vực đầu tư công, đất đai, công tác cán bộ.

Các cử tri phát biểu tại hội nghị đã kiến nghị Quốc hội xem xét các vấn đề về quản lý đất đai, phát triển du lịch, giáo dục và đào tạo; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về biển đảo, địa giới hành chính, thủy sản, phòng cháy và chữa cháy, bảo hiểm xã hội, an ninh mạng, giao thông đường bộ; vướng mắc khi thi hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành luật…

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn