Công tác tuyển sinh năm 2023: Bảo đảm thuận tiện, minh bạch và công bằng cho thí sinh

Ngày 3/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Hội nghị được tổ chức giúp thấy rõ những kết quả đạt được, những việc đã làm được, những tác động của đổi mới, bên cạnh đó cũng nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá những vấn đề bất cập, những khó khăn, hạn chế trong toàn bộ công tác tuyển sinh, từ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cho tới xây dựng các phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, các hệ thống phần mềm hỗ trợ, công tác nhập học, để trên cơ sở đó tìm ra những biện pháp và thống nhất những biện pháp điều chỉnh, khắc phục, cải tiến cho hệ thống. Một khi chúng ta thống nhất được những biện pháp, những giải pháp để khắc phục, cải tiến thì chúng ta thống nhất, quản triệt hành động và tuyên truyền sâu rộng tới các học sinh, các trường THPT”.

Công tác tuyển sinh năm 2023: Bảo đảm thuận tiện, minh bạch và công bằng cho thí sinh

Quang cảnh hội nghị

Công tác tổ chức tuyển sinh năm 2022 với những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực. Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực. Các cơ sở đào tạo (CSĐT) được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đại học, nhập học cao đẳng ngành GDMN đã thể hiện kết quả rất khả quan.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển gây bối rối cho thí sinh; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học; vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến; Một số CSĐT xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định; Giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội...

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết: Công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định nhưng có một số điều khoản sẽ có hiệu lực. Bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý một số mốc thời gian thí sinh và các CSĐT, địa phương cần lưu ý như: Ngày 31/3 hoàn thành kết nối HEMIS với các phần mềm quản lý để phục vụ công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023; 15/6 phải hoàn thành cập nhật thông tin thí sinh vào hệ thống; công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành ngày 18/7; tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển từ ngày 9/8 đến 17 giờ ngày 12/8; hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào ngày 14/8...

Tại Hội nghị, đại diện Đại học Đà Nẵng nêu thắc mắc về điểm mới áp dụng điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 tại sao không chọn 20 điểm mà 22,5, trên cơ sở khoa học nào? Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Phân tích dữ liệu sao cho hợp lý giữa kết quả học tập và điểm thi, bảo đảm sự công bằng cho thí sinh.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn