Công bố Nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 5-2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có văn bản số 4203/TTKQH-TT về việc công bố 9 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV; trong đó có Nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người. Trong đó, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%). Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%). 

Tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp mình. 

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn; có đại diện của các thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi và đáp ứng các yêu cầu. 

Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngoài ra, Nghị quyết số 1188/NQ-UBTVQH14 quyết nghị: Thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Nghị quyết số 1189/NQ-UBTVQH14 quyết nghị: Thành lập phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Nghị quyết số 1190/NQ-UBTVQH14 quyết nghị: Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông.

Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH14 quyết nghị: Thành lập các phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1194/NQ-UBTVQH14, phê chuẩn kết quả bầu Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Nghị quyết số 1177/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị ban hành Quy định về tổ chức đoàn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội viếng người từ trần. 

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn