Cô Tô biển mặn

Phóng sự của Nguyễn Văn Toàn

 

“Anh bảo chuyển nghề à? Chúng em từ bé đến giờ chỉ biết mỗi nghề này, bây giờ chuyển thì biết làm gì để sống? Còn rủi ro trong công việc thì coi như sinh nghề tử nghiệp, tất cả là số phận thôi…” - Ngư dân Nguyễn Văn Hoàn ở khu 2, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh giãi bày tâm sự.

Đại tá, Bác sĩ Trần Văn Hà, Chủ nhiệm Khoa Sinh lý Hải quân khám sức khỏe cho thợ lặn tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Ảnh: Quang Thanh

Đảo nhỏ trên đà đô thị hóa

Ra Cô Tô lúc này đơn giản lắm. Chưa vào mùa du lịch nên chẳng mấy khi nhà tàu mong đủ khách. 150 ngàn một vé tàu cao tốc. Một tiếng rưỡi đồng hồ. Anh nào lười không vào phòng vé thì cứ xuống thẳng tàu, lát nữa khắc có người thu tiền, phát vé tận tay. Mùa này, tàu chạy 2/3 thời gian trong vịnh như chạy giữa ao nhà, hôm nào ra cửa vịnh có gió lớn thì mới dập dềnh đôi chút, đến khi cơn say sóng vừa chợt ngấm vào cơ thể thì đảo Cô Tô cũng đã cận cảnh trong tầm mắt rồi.

"Chúng em từ bé đến giờ chỉ biết mỗi nghề này, bây giờ chuyển thì biết làm gì để sống? …” Ngư dân Nguyễn Văn Hoàn giãi bày tâm sự. Ảnh: Quang Thanh

Không ồn ào, tấp nập. Mật độ tàu khách, tàu cá ở cảng Cô Tô cũng bình bình giống như cuộc sống ở nơi đây. Không ồn ào tranh khách lên bờ. Ai thích gì chọn nấy: xe điện, xe ôm. 10 ngàn/đầu người. Chạy từ bến tàu đến trung tâm thị trấn bằng xe điện, cái giá ấy quá rẻ để đủ chiêm nghiệm về những đổi thay mang tầm chiến lược của Cô Tô đang hiện hữu: Cả thị trấn đang bê tông hóa đường đi, cao tầng hóa nhà dân. Cũng có những khu vực đất trồng lúa, trồng rau nhưng giá nhà đất ở đây giờ đang cao ngất ngưởng. “Đất mặt đường ở đây bình quân 15 triệu một mét vuông. Công xây hơn 1 triệu/1 mét vuông, chưa tính tiền điện nước. Cũng ngang ngửa thành phố rồi anh nhỉ?”. Anh chàng lái xe điện vui tính thông tin với tôi. “Hiện đại lắm anh ơi. Điện, đường, trường, trạm đều có đủ. Học sinh ở huyện có trường cấp 3 rồi”.

Kiểm tra điện tim cho thợ lặn Lê Bá Huy trên tàu. Ảnh: Quang Thanh

Ngư dân sống bằng nghề lặn biển

Tôi theo chân kíp bác sĩ của Khoa Sinh lý, Viện Y học Hải quân đến Cô Tô để khám và khảo sát các bệnh của thợ lặn trên địa bàn huyện.

Anh Phạm Văn Ngọc đón chúng tôi. Nhà xây 2 tầng khang trang, gạch ốp bóng loáng từ ngõ vào sân. Quê ở Nam Định nhưng anh đã lấy vợ và định cư trên hòn đảo này lâu rồi. Vợ anh thì bán hải sản ở chợ thị trấn. Hai con trai đang đi học. “Hai con trai sau có làm nghề của bố không ?”. Nghe tôi hỏi vậy thì Sáng-vợ anh giãy nảy nên: “Không được anh ơi. Có nghèo, có khổ em cũng không cho con em làm nghề này nữa”.

Sau cú điện thoại của Ngọc, một tốp anh em cùng nghề ồn ào đến nhà. Nhìn cách bác sỹ Trần Văn Hà, Ngô Văn Hậu của Khoa Sinh lý bắt tay và “điểm danh” từng người mà tôi cứ tròn cả mắt: “Anh Vương ba lần vào viện. Anh Huy một lần. Anh Ngọc ba lần nhỉ…”. Thì ra, các anh đã là “người nhà” của Khoa sau mỗi lần “vào sinh, ra tử”. Bụi bặm, phong trần trong giao tiếp nhưng khi các bác sĩ nhắc về sức khỏe, ai nấy đều im lặng cúi đầu như những đứa em ngoan hối lỗi sau mỗi lần nghịch dại.

Huy còn rất trẻ nhưng lặn sâu tới 2-3 chục mét. Huy cho biết nếu tính thợ lặn của cả huyện Cô Tô này thì phải đến vài trăm. Ấy là tính những người đang lặn chứ chưa tính đến số bị tai biến nặng trở nên què, cụt, bất lực đã giải nghệ lên bờ. Thợ lặn, chủ tàu thường ăn chia 6/4. 6 phần của tàu, 4 phần của thợ. Để có thu nhập cao thì các anh không dám gọi nhiều người nên thời gian lặn phải nhiều hơn, đôi khi là cả đêm đánh vật cùng sóng nước chẳng khác gì cá rô vật đẻ.

Tư vấn sức khỏe cho thợ lặn trên tàu. Ảnh: Quang Thanh

Bệnh nghề nghiệp không thuyên giảm

Mặc dù Huyện đã thông báo trên loa truyền thanh từ chiều hôm trước về kế hoạch khám bệnh cho thợ lặn nhưng hôm sau kíp bác sĩ của Viện Y học Hải quân cũng chỉ khám được cho khoảng hơn 40 người. Số còn lại hoặc đã đi biển, hoặc “còn đang ngủ để tối đi lặn tiếp”.

Theo bác sĩ Trần Văn Hà, Chủ nhiệm Khoa Sinh lý, ngoài việc thợ lặn bị bệnh giảm áp mà các anh đã phát hiện từ những lần đi thực tế trước đây tại Cô Tô thì thợ lặn năm nay có những bệnh mới phát sinh như tăng huyết áp, tiền tăng huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim. Một số thợ lặn đã tiềm ẩn những bệnh lý nguy hiểm nếu như vẫn theo đuổi nghề này.

Tuy nhiên, với thợ lặn thì đây vẫn là nghề kiếm tiền nhanh nhất nên không đánh bắt được gần bờ thì họ lại di chuyển đến các vùng biển xa bờ khác. Chưa ai trong số chúng tôi hỏi có ý định chuyển nghề. “Không lặn nữa thì bây giờ chúng em biết làm gì?”. Ngư dân Nguyễn Văn Hoàn thâm niên 22 năm lặn biển trăn trở.

100% thợ lặn không có chứng chỉ và không được cấp phép. Còn việc chuyển đổi nghề cho thợ lặn một cách lâu dài, ổn định vẫn là một bài toán khó của chính quyền địa phương. Sinh tử vẫn hiện hữu trên các vùng biển. Vì vậy, kiểm tra sức khỏe và tư vấn cho thợ lặn ngay tại ngư trường thực sự là việc làm cần thiết của những người thầy thuốc có lương tâm.

Phổ biến phương pháp giảm áp nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Ảnh: Quang Thanh

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn