Chuyện chưa kể ở Mồ Dề

HQVN -

Những ngày này, ở đây gần như không thấy mặt trời. Chỉ có sương mù và lạnh giá. Lạnh cắt da cắt thịt. Lạnh ngấm sâu vào đôi tay nhỏ đang xỏ qua quai dép. Lạnh phát cước cả những bàn chân non đang bấm mười ngón sâu xuống con đường đất. Ai cũng thích được ngồi bên bếp lửa hay ủ mình trong chăn hơn là trèo đồi, lội suối. Thế nhưng phải học? Đầu tuần, nhà nào xa bố mẹ cõng con đến trường, chở con bằng xe máy; nhà nào gần, trẻ con tự băng đồi.

Làm giáo viên ở miền núi đã vất vả rồi, làm giáo viên dạy cho con em đồng bào dân tộc còn vất vả hơn nhiều. Điều đó không chỉ là với thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Mồ Dề mà còn là với các thầy cô ở Chế Tạo, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Hồ Bốn… của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái này. Nhưng chính vì thấu hiểu sự thiệt thòi của những đứa trẻ nơi đây, không muốn các em mù chữ rồi gắn bó cả đời với ruộng nương, với đói nghèo nên các thầy cô sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, kiên trì bám điểm trường, bám bản.

Chuyện của trò

Xã Mồ Dề có 8 bản. Điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề nằm ở bản Nả Háng. Còn bản xa nhất là bản Háng Xung. Nhà xa nhất của bản Háng Xung cách trường tới 20km, xa xôi, cách trở. Với 899 học sinh bán trú của điểm trường, đầu tuần các em đến trường, cuối tuần các em được về nhà. Vì trường bao gồm từ lớp 1 đến lớp 9 nên có những gia đình có đến 3-4 anh em cùng học chung ở điểm trường; cuối tuần, khi bố mẹ bận, chúng như lũ chim non tự dẫn nhau về tổ.

Học sinh lớp 1 trong giờ học

Học sinh lớp 1 bán trú, sáu – bảy tuổi đã xa nhà, “sống như bộ đội”. Thế nhưng ngồi trong lớp, các em vẫn quen lấy gấu tay áo chùi nước mũi, quen mặc chiếc áo sũng hơi sương vào lớp. Với những lớp học như thế sẽ phải có 2 thầy cô hỗ trợ, hướng dẫn các em cầm phấn, cầm bảng viết bài, rèn luyện kỹ năng sống… Còn ở ký túc xá thì… nửa đêm, có đứa đang ngủ thì quơ tay tìm ti mẹ, chạm phải ngực của thằng bạn kề bên đang thao thức; dụi mắt tỉnh dậy, bàng hoàng hồi lâu rồi chúng mới bắt đầu khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Đứa đầu khóc như bắt nhịp cho mấy đứa đang mủi lòng khóc chung. Các thầy cô ở phòng trực lại phải chạy sang dỗ dành, năn nỉ…

Còn chuyện đầu tóc - Cô Hà Thị Liên, giáo viên điểm trường kể - Con gái là làm dáng mọi nơi, mọi lúc. Nhưng con gái 6 tuổi lại chưa biết gội đầu, phải hỗ trợ các cháu. Cuối buổi chiều là khu nhà tắm ồn ào như vỡ trận; bên nam, bên nữ. Các cậu trai trước khi gội đầu thầy cô còn phải kiểm tra xem bạn nào tóc dài để cắt. Thầy giáo cắt tóc, cô giáo cắt tóc, nhân viên y tế cắt tóc, bảo vệ điểm trường cũng trở thành thợ cắt tóc từ khi nào không biết nữa.

Giờ ra chơi ở Khối học sinh tiểu học

Lớp bé có cái phức tạp của lớp bé. Lớp nhớn lại có phức tạp của lớp nhớn. Trong quan niệm của nhiều đồng bào, con cái 12, 13 tuổi là đã được phép tìm vợ tìm chồng. Có nghĩa là học lớp cuối cấp đã biết “rung”, biết “động” khi gặp bạn khác giới. Nhà trường có khu bán trú tách biệt học sinh nam và học sinh nữ. Mỗi đầu dãy nhà đều có phòng trực của thầy hoặc cô. Các thầy cô dù quản lý các em 24/24 nhưng luôn luôn “nâng cao cảnh giác”. Rồi chuyện các em cảm sốt vào giữa đêm cần đi bệnh xá, chuyện “tế nhị” của các cô gái nhỏ đến tuổi dậy thì…

Chuyện của thầy cô

Thầy Phạm Minh Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Mồ Dề cho biết: Toàn trường hiện có 57 giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Ở môi trường đặc thù này, các thầy cô đảm nhiệm đủ các vai: Làm thầy, làm “mẹ”, làm bác sĩ, rồi kiêm cả… “nghề hình sự”.

Làm thầy thì đương nhiên rồi nhưng các thầy cô còn phải làm “mẹ”. Học sinh người đồng bào dân tộc vốn nhút nhát, rụt rè, ít nói, nhất là với thầy cô. Đã vậy, khi các em làm sai, hiểu sai nhưng thầy cô không dám nặng lời bởi chỉ một chút tự ái thôi, các em đã có thể bỏ trường, bỏ lớp. Vì vậy, mọi hành động, cử chỉ của thầy cô luôn phải thể hiện sự dịu dàng, nhân ái của người chị, người mẹ với các em.

Nhân viên y tế nhà trường cắt tóc cho học sinh nam

Còn thầy cô làm “nghề hình sự” bởi cứ cuối hè hay giáp Tết không cẩn thận là lại có em “đào ngũ”. Bảo vệ canh ở cổng trường thì các em trèo rào, tắt qua suối để về nhà, trốn đi chơi; thậm chí còn tìm cách xuống Hà Nội làm phụ vữa, xuống xuôi tìm “việc nhẹ, lương cao”!!!

Khi ấy, thầy cô vừa tất tả gọi điện cho gia đình vừa cắt cử nhau đi tìm trò. Các thầy còn phải chia nhau “mật phục” ở các bến xe dưới huyện. Xe nào chuẩn bị xuất bến thầy lại nói khó với nhà xe để được lên xe nhận mặt tìm trò chẳng khác gì nghề hình sự.

Rồi cứ sau hè, sau Tết, điểm trường sẽ vắng trò, các thầy cô phải tìm đến từng nhà để thuyết phục. Toàn gặp bố, mẹ, còn các em cứ thấy thầy cô là trốn biệt. Các em nghỉ học thì cũng giúp được bố mẹ rất nhiều: Nấu cơm, chăn trâu, đi nương, bế em… Có em vì gia đình khó khăn nên muốn bỏ học để theo cha, mẹ lên nương. Còn bố mẹ mê mải ruộng nương nên rất ngại cho con đi học. Đã thất vọng, phụ huynh lại làm tăng thêm niềm thất vọng: “Cô giáo tìm cháu ít thôi, nó đang xấu hổ đấy. Nó xấu hổ quá, nó ăn lá ngón chết thì cô giáo phải chịu tội đấy!”.

Vì tương lai của các em là điều mà nhà trường và toàn xã hội luôn đặt lên hàng đầu

Một lần không được thì hai, ba lần, các thầy cô cùng với cùng với các đoàn thể địa phương cứ rả rích nói chuyện với gia đình đến khi nào gia đình hứa sẽ “nộp” con cho nhà trường mới tạm yên tâm.

Những chuyện trên đây là những câu chuyện có thật ở điểm trường Mồ Dề. Nhưng cũng không phải là chuyện thường ngày, cũng không phải là vấn đề nan giải. Môi trường học tập ở đây rất tốt, mặc dù điểm trường còn rất nhiều khó khăn. Mà thực sự, chúng tôi cũng không thể gọi tên những khó khăn của điểm trường. Mọi thứ đều “cơ bản”. Nhưng trong những cái “cơ bản” ấy vẫn còn rất nhiều “thiếu thiếu” của hôm nay.

Bài, ảnh: Minh Đức

Trường PTDTBT TH&THCS có 2 cấp học là Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhà trường hiện có 30 lớp với 1.085 học sinh gồm 621 học sinh tiểu học, 464 học sinh trung học. Tỉ lệ học sinh người đồng bào dân tộc ở đây chiếm 96,6% tổng số học sinh toàn huyện, chủ yếu là học sinh người dân tộc Mông. 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn