Chung tay cho đảo mãi xanh
HQVN -
Cùng với nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa là trồng và chăm sóc cây xanh. Phủ xanh các đảo bằng những tán lá cây không chỉ để che nắng, che mưa cho bộ đội mà còn làm cho đảo gần hơn với đất liền, góp phần cải thiện hệ sinh thái, bảo vệ môi trường biển, đảo xanh, sạch, đẹp.
Tăng độ phủ từ nguồn cây xanh xã hội hóa
Nhằm hiện thực hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Trường Sa thành một huyện đảo có đủ các yếu tố mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, hàng ngàn cây xanh từ các tỉnh thành trong cả nước và những miền đất xa xôi của thế giới đã xuống tàu hành trình ra Trường Sa. Nếu trước đây Trường Sa chỉ có cây bàng quả vuông, cây phong ba, bão táp, nay thông qua các chương trình “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc”, hay chương trình “Trường Sa xanh”, tuổi trẻ và quân dân các tỉnh đã chuyển ra các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn nhiều loại cây như hoa giấy, dừa chịu mặn, xoài, mít…
Một góc đảo Song Tử Tây. Ảnh: Văn Truyền
Cùng với chương trình trên là các dự án phủ xanh Trường Sa của các đơn vị trong và ngoài Quân đội… Đặc biệt, dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây phủ xanh tại huyện đảo Trường Sa” của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị thực hiện dự án đã trồng được 16 nghìn cây xanh các loại trên các đảo. Tại đảo Đá Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa, cây đã phát triển tốt, thích nghi với môi trường gió, nước biển, giảm bớt phần nào sự khắc nghiệt của thời tiết trên đảo.
Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp,Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết: Thực hiện dự án phủ xanh Trường Sa về lâu dài sẽ cải tạo đất, tăng khả năng giữ nước mưa ở tầng ngầm giúp cho cây sinh trưởng và phát triển đồng thời điều hoà không khí. Hơn nữa, ở đảo việc làm sạch môi trường gặp nhiều khó khăn hơn ở đất liền nên khi phát triển hệ cây trồng sẽ tận dụng hết những thức ăn, cây cỏ dư thừa để làm phân bón, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch.
Với tinh thần cả nước vì Trường Sa, không chỉ các dự án, chương trình phủ xanh đảo thu hút sự quan tâm của nhân dân trong nước mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều kiều bào ở xa Tổ quốc. Thông qua Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, hàng trăm kiều bào từ Ba Lan, Đức, Pháp… đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hàng ngàn cây xanh.
Quân dân chung tay vượt khó
Năm 2021, cơn bão số 9 đổ bộ lên đảo Song Tử Tây đã làm hơn 90% cây xanh trên đảo bật gốc. Nhìn những gốc cây phong ba, tra, bàng vuông cổ thụ có tuổi đời từ 30-40 năm bị cưa ngang thân để tái trồng nay đang bật cành, đâm chồi trên nền san hô bỏng rát mới thấy được sức bộ đội thật phi thường. Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: Sau bão, mọi thứ tan hoang, đặc biệt là cây cổ thụ đổ hết. Chúng tôi đã phải huy động lực lượng khắc phục từng bước từ cắt tỉa cành, thu gọn và dựng lại cây đổ. Hàng tuần tổ phun, tưới có nhiệm vụ phun kích kễ, kích lá để cây nhanh chóng lấy lại sức, phát triển. Đến nay, số lượng cây đổ sau bão đã phục hồi được 75%, có những loại như phong ba, bàng vuông đã phục hồi 100%.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và đoàn công tác TP. Hồ Chí Minh trồng cây lưu niệm tại đảo Trường Sa. Ảnh: Hải Hà
Do khí hậu và thổ nhưỡng, lượng đất màu phía trên mỏng, còn phía dưới toàn san hô. Các loại cây bàng quả vuông, bàng, tra rễ ăn nông. Vì thế, khi có gió lớn cả mảng rễ cây và lớp đất màu dễ bị bật lên. Để hạn chế tình trạng trên, bộ đội đảo truyền nhau kinh nghiệm: Khi trồng cây, ngoài lượng đất và phân bảo đảm cho cây phát triển phải chèn thêm đá san hô dưới gốc để làm điểm tựa cho rễ cây, khi cây đủ lớn thường xuyên cắt tỉa cành...
Để duy trì màu xanh trên đảo, việc trồng, chăm sóc cây xanh đều được các đảo đưa vào nghị quyết lãnh đạo năm. Trên cơ sở đó, các đơn vị có hành động cụ thể cho từng tuần, tháng từ việc tổ chức vườn ươm để nhân giống các loại cây, đào hố, trồng và chăm sóc. “Vào mùa mưa, tranh thủ đất còn mềm, chúng tôi tổ chức cho bộ đội đào hố sẵn, sau đó ủ lá cây và phủ độn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ rác, khi cây ra rễ, thời tiết phù hợp đơn vị sẽ tổ chức trồng. Với cây mới trồng phải che chắn gió, sóng, không để hơi muối mặn xâm nhập. Nước để tưới cây được cán bộ, chiến sĩ tận dụng từ nước mưa và nước ngọt đã qua sử dụng”-Đại uý Nguyễn Văn Độ, Trợ lý Hậu cần đảo Trường Sa chia sẻ.
Số lượng cây xanh được các đơn vị quản lý chặt chẽ, đánh số theo thứ tự theo từng loại để tiện trong công tác quản lý, chăm sóc và bàn giao. Hàng năm, đơn vị tổ chức tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm. Trồng và chăm sóc tốt cây xanh cũng là một tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng của các đơn vị.
Trên một không gian chật hẹp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước ngọt khan hiếm lại tập trung đông người, việc phủ xanh đảo bằng những tán cây sẽ giúp làm trong sạch môi trường, điều hoà không khí. Cây xanh cũng giúp cho chim chóc có nơi làm tổ, tạo sự phong phú trong đời sống tinh thần cho người lính ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Xuân Hương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Học viện Hải quân tham gia Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lê nin - ( 29-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 83 đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ - ( 28-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 126 thông tin về tình hình biển, đảo tại Bắc Giang - ( 28-11-24 02:00 )
- Trung đoàn 196 thông tin về biển, đảo tại Đà Lạt - ( 28-11-24 10:00 )
- Tổ chức chương trình “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” tại Vùng 3 - ( 27-11-24 06:00 )