Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai

Sáng 16-5, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. Cùng dự đối thoại có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy và các đại biểu, học giả tới từ các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang phát biểu định hướng đối thoại

Phát biểu định hướng tại đối thoại, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhấn mạnh thành công và vai trò quan trọng của APEC trong gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển, góp phần đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Chỉ tính từ năm 2000 đến năm 2015, tổng kim ngạch thương mại của APEC đã tăng 2,5 lần, từ 6,4 nghìn tỷ USD lên 16,5 nghìn tỷ USD. Thuế quan cũng giảm trung bình hơn một nửa, từ 11% vào năm 1996 xuống còn 5% vào năm 2015. Chủ tịch Trần Đại Quang cũng nêu bật bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng với việc nhân loại bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng bức tranh kinh tế toàn cầu, làm cho thế giới trở nên gắn kết hơn nhưng cũng tạo ra không ít thách thức.

Về toàn cầu hóa và thực hiện các Mục tiêu Bogor, Chủ tịch Nước cho rằng trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới, việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Bogor ngày càng trở nên quan trọng. Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn. Chủ tịch Nước nhấn mạnh: “Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời chúng ta cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hóa, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn”.

Các đại biểu cao cấp tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai

Chủ tịch Nước cũng khẳng định rằng tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; không đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp; không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước và các đại biểu thảo luận làm rõ các vấn đề: Xác định những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor đúng thời hạn vào năm 2020; xác định mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC; xác định các bước đi để xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020.

Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai là sáng kiến của Việt Nam, nước chủ nhà APEC 2017. Trong buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại 2 phiên toàn thể với chủ đề “APEC trong một thế giới thay đổi nhanh chóng” và “APEC hướng tới 2020 và tương lai”. Các tham luận tập trung vào các chủ đề “nóng” về kinh tế và thương mại trong khu vực như Cách mạng 4.0 cùng những thuận lợi và khó khăn do nó đem lại; thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới; cơ hội cho APEC trong một thế giới nhiều thách thức; đánh giá lần hai về quá trình thực hiện các Mục tiêu Bogor và những thách thức phía trước.

Các đại biểu, học giả dự đối thoại

Buổi chiều, các đại biểu chia thành 5 nhóm, tiếp tục thảo luận chuyên sâu vào các nội dung xoay quanh việc thực hiện các Mục tiêu Bogor của các nền kinh tế APEC, bao gồm phương thức thúc đẩy tiến độ thực hiện các Mục tiêu Bogor; khung thời gian cho thực hiện các Mục tiêu Bogor; mục tiêu và trọng điểm hợp tác của APEC giai đoạn hậu 2020 và các bước tiếp theo để định hình một Tầm nhìn cho APEC giai đoạn hậu 2020.

* Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1990, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 2 tổ chức vào năm 1994 tại Bogor, Indonesia đã nhất trí thông qua “các Mục tiêu Bogor”, xác định APEC sẽ trở thành một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư trong tương lai. Các Mục tiêu Bogor trở thành định hướng và lộ trình cho các hoạt động của APEC trong cả giai đoạn 1994-2020. Các Mục tiêu Bogor bao gồm:

- Cắt giảm rào cản đối với thương mại và đầu tư; tăng cường lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn; thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.

- Đề ra thời hạn để hoàn tất các Mục tiêu Bogor đối với nền kinh tế thành viên phát triển là năm 2010 và đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển là 2020.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn