Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, chiều nay (28/10), Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và thảo luận ở tổ về dự án luật này. Sau khi được góp ý, thảo luận kỹ lưỡng, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua dự án luật này vào ngày 27-11 tới.
Việc xem xét, thông qua dự thảo luật quan trọng này tại Kỳ họp thứ tám sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Sĩ quan; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Sĩ quan gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan và gửi Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Việc hoàn thiện Luật Sĩ quan đóng vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan và việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào phục vụ Quân đội
Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam được xây dựng, trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Bộ Quốc phòng, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị cho ý kiến đối với hồ sơ dự án luật; Quân ủy Trung ương có tờ trình về việc xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan; và sau đó, Bộ Chính trị đã cho chủ trương về nội dung này. Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nghiên cứu quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị và tiếp thu nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành.
Luật Sĩ quan năm 1999 được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 21-12-1999, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Luật Sĩ quan có 7 chương, 51 điều, từ khi đi vào thực tiễn đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là "ngành lao động đặc biệt".
Dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; một số nội dung liên quan đến thẩm quyền và quy định rõ hơn một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương...
Việc sửa đổi, bổ sung luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc, bất cập.
Ảnh minh họa: qdnd.vn
Đề xuất tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ
Đáng chú ý, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đề xuất tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ. Quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan hiện nay tuy cơ bản phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự song chưa tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận cán bộ khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Do vậy, việc nâng nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan QĐND Việt Nam là phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”; bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu, bảo đảm cho sĩ quan QĐND tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội - điều này cũng thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Bộ Quốc phòng đề xuất hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy: 50; Thiếu tá: 52; Trung tá: 54; Thượng tá: 56; Đại tá: 58; Cấp Tướng: 60.
Khi Quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ tại quy định trên.
Cùng với việc tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan thì việc tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị cấp tá, cấp úy từ 1 đến 2 tuổi trong dự thảo luật lần này cũng là cần thiết; nhằm giữ gìn, phát huy được đội ngũ sĩ quan có năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh khi được sắp xếp vào các vị trí dự bị động viên, cũng như tiết kiệm được ngân sách đào tạo bổ sung vào nguồn sĩ quan dự bị thay thế các sĩ quan dự bị hết tuổi phải giải ngạch.
Quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Ảnh minh họa: qdnd.vn
Bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương
Bên cạnh đó, dự thảo luật lần này cũng bổ sung chức vụ, chức danh đối với cấp phó của cấp trưởng và tương đương. Điều này xuất phát từ thực tiễn Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện hành quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó, nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn, chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với sĩ quan được bổ nhiệm chức vụ là cấp phó của cấp trưởng và tương đương.
Ngoài ra, Luật Sĩ quan hiện hành cũng chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc; chưa quy định sĩ quan được nâng lương trước thời hạn và chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm và nâng lương sĩ quan trước thời hạn.
Bên cạnh đó, một số chế độ, chính sách đất ở, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ chưa được thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
Đặc biệt, Luật Sĩ quan hiện hành cũng chưa cụ thể hóa trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước, điều kiện thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, gia đình sĩ quan, nhất là ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội để bảo đảm chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho Quân đội được thực hiện trên thực tế…. Trong khi đó, việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của phần đông lực lượng sĩ quan; còn Luật Nhà ở năm 2023 cũng đã quy định một mục riêng về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân…
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã từng nhấn mạnh tại Hội nghị xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (ngày 22-7-2024) rằng: Luật Sĩ quan là cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam, xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Việc hoàn thiện Luật Sĩ quan đóng vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan và việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào phục vụ Quân đội.
Do vậy, rõ ràng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là cần thiết. Ảnh minh họa: qdnd.vn
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 - ( 31-10-24 08:00 )
- Toàn văn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam - ( 31-10-24 08:00 )
- Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam - ( 31-10-24 07:00 )
- Dự thảo Luật Phòng không nhân dân: Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái - ( 31-10-24 07:00 )
- Trung tâm Huấn luyện CMKT-NV Vùng 1 khai mạc kỳ thi tốt nghiệp Khoá 49 - ( 30-10-24 02:00 )