Cải cách tư pháp là để có được nền tư pháp tiên tiến, hiện đại, phục vụ nhân dân

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao

Với tham luận Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền việt nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tại Đại hội XIII sáng nay, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao đã nhấn mạnh sự đổi thay về cơ cấu tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung, của Tòa án nhân dân nói riêng, cũng như nỗ lực của đội ngũ cán bộ Tòa án suốt thời gian qua.

Theo đồng chí Lê Hồng Quang, nhìn lại 15 năm gần đây, các Tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%/năm. Như năm 2020, Tòa án các cấp thụ lý 602.000 vụ việc các loại, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2005 và gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Mặc dù số lượng biên chế của các Tòa án cơ bản không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng Tòa án các cấp đã rất nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra; hằng năm giải quyết, xét xử từ 95-98% số vụ việc thụ lý. “Có được thành tích đó, bên cạnh những nỗ lực của toàn hệ thống Tòa án, còn phải kể đến yếu tố quan trọng đó là kết quả của thực hiện cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án”, đồng chí Lê Hồng Quang khẳng định.

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao

Theo đồng chí Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao, qua thực tiễn công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ còn có những khó khăn, thách thức đặt ra cho nền tư pháp nước nhà phải giải quyết, đó là nền tư pháp nước ta đang lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới cả về thể chế, tổ chức bộ máy, năng lực, trình độ và điều kiện bảo đảm.

Bên cạnh đó, đang tồn tại mâu thuẫn lớn giữa sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng công việc Tòa án phải thực hiện với yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cơ quan tư pháp; giữa việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định hiện hành với việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám trong hệ thống tư pháp....

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những đột phá trên nhiều lĩnh vực sẽ là cơ hội và thách thức đối với cơ quan tư pháp trong việc tận dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường công khai, minh bạch; hỗ trợ tích cực cho người dân tiếp cận công lý và giám sát hoạt động tư pháp.

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, đồng chí Lê Hồng Quang cho rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp nhằm thích ứng tốt hơn với yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới. Đây cũng là xu thế tất yếu, là cơ sở quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền.

“Cải cách tư pháp là để chúng ta có được nền tư pháp tiên tiến, hiện đại, phục vụ nhân dân, tăng cường niềm tin của giới đầu tư vào hệ thống pháp luật và tư pháp của Việt Nam qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại sự phồn vinh cho đất nước”, đồng chí Lê Hồng Quang khẳng định.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn