Các giải pháp chống khai thác hải sản (IUU) Kỳ cuối: Đầu tư nguồn lực, công nghệ để khai thác hải sản bền vững

HQVN -

Để thực hiện tốt IUU, bên cạnh thực hiện nghiêm các giải pháp chống khai thác sản bất hợp pháp, Chính phủ và các địa phương cần ưu tiên, bố trí nguồn lực thỏa đáng để quản lý tàu cá bằng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng cảng biển để phát triển ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, chuyên nghiệp.

Hỗ trợ ngư dân lắp đặt và duy trì VMS

Hai trong bốn khuyến nghị mà EC yêu cầu ngành khai thác hải sản nước ta cần thực hiện ngay để được gỡ “thẻ vàng” là chấm dứt việc tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, truy xuất được nguồn gốc thủy sản khi xuất khẩu sang thị trường EU. Để thực hiện hai khuyến cáo trên, tháng 3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26 về một số biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó có qui định về lắp đặt thiết bị giám sát hình trình (VMS) trên các tàu cá để quản lý việc khai thác hải sản, đồng thời truy xuất được nguồn gốc hải sản từ các tọa độ mà tàu đánh bắt hợp pháp trên biển.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Hiện nay các tỉnh ven biển cơ bản hoàn thành việc lắp đặt VMS trước 1/4/2020 (khoảng 82% số tàu cá đang hoạt động). Một số tỉnh thành thực hiện nghiêm việc giám sát, xử lý vi phạm nếu tàu cá mất kết nối, vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn không ít địa phương thực hiện chưa nghiêm, chậm tiến độ về lắp đặt VMS như: Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh... Một số địa phương còn buông lỏng, xử lý vi phạm không nghiêm khi tàu cá được trang bị VMS nhưng thường xuyên mất kết nối trên biển, cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài như Kiên Giang, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau...

Ngư dân Bình Định đánh bắt cá trên vùng biển huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Tấn Vũ

Một trong những nguyên nhân chậm trể việc lắp đặt VMS là do các địa phương chưa đầu tư nguồn lực, đồng hành với ngư dân trong việc lắp đặt VMS. Tàu cá BV 98888 TS do ông Phan Quốc Tuấn làm chủ tàu cùng 18 thuyền viên, ở Phường 5, TP. Vũng Tàu vừa bị lực lượng Kiểm ngư lập biên bản vi phạm ngày 4/10 vừa qua ở vùng biển giáp ranh do tàu không có thiết bị VMS, không có giấy phép, nhật ký khai thác lý giải: Lý do tàu chưa lắp đặt VMS một phần là khó khăn về kinh phí lắp đặt và tiền cước phải trả để duy trì thuê bao thiết bị hàng tháng. Theo ngư dân này, bỏ ra 25-35 triệu đồng lắp đặt lúc đầu và từ 400-500 nghìn đồng thuê bao hàng tháng là khoản tiền khá lớn trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay.

Thuyền trưởng một tàu KN cho biết, khi kiểm tra tàu cá khác thì phát hiện một số tàu có lắp thiết bị VMS nhưng không hoạt động do chủ tàu cá cố tình ngắt kết nối, một số thiết bị thì bị hỏng, có chủ tàu khai là chưa đóng tiền thuê bao nên bị ngắt kết nối từ đất liền...

 Cảng cá Thọ Quang TP. Đà Nẵng luôn tấp nập tàu thuyền ra vào 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, kinh phí lắp đạt VMS chủ yếu do ngư dân bỏ ra cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên tỉnh, thành nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có chính sách hỗ trợ ngư dân tốt thì việc lắp đặt thuận lợi, hiệu quả cao. Hiện có gần 10% số tàu cá chưa lắp định vị một phần là chủ tàu cá còn khó khăn kinh phí lắp đặt, một phần do tàu cá còn nằm bờ sửa chữa...

Như tỉnh Khánh Hòa, việc thực hiện IUU hiệu quả trong thời gian qua một phần là do tỉnh hỗ trợ một lần 50% chi phí lắp đặt VMS cho tàu cá hoạt động xa bờ (trên 10 triệu đồng) và hỗ trợ 50% cước thuê bao dịch vụ hàng tháng (gần 200 nghìn đồng) nên ngư dân phấn khởi, đồng thuận thực hiện nghiêm IUU (hơn 97% tàu cá ở Khánh Hòa đã lắp VMS).

Cần hiện đại hóa trong quản lý VMS, cảng cá

Hai năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện, chấn chỉnh gần 1.100 tàu cá mất kết nối VMS trên biển quá 10 ngày, cơ quan chức năng tỉnh đã xử phạt 10 thuyền trưởng tàu cá cố tình ngắt kết nối VMS, mỗi tàu 25 triệu đồng. Tuy nhiên, địa phương chỉ xử phạt các tàu cố tình ngắt kết nối, còn các tàu mất kết nối do lỗi thiết bị thì... phải bó tay.

Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 6 đơn vị được Tổng cục Thủy sản chỉ định việc cung ứng và lắp đặt thiết bị VMS cho ngư dân gồm: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Trung tâm Công nghệ cao thuộc Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel), Công ty Công nghệ điện tử Bình Anh, Công ty Công nghệ tự động hóa LTRAN. Các thiết bị khi lắp ở tàu cá đều được kết nối qua vệ tinh và tự động báo cáo vị trí (tọa độ) trên biển 2-3 giờ/ lần về Trung tâm giám sát tàu cá ở đất liền của các tỉnh thành. Tuy nhiên, chỉ có 3 đơn vị là VNPT, Viettel, Vishipel thường xuyên hỗ trợ, khắc phục khi VMS gặp trục trặc, còn 3 doanh nghiệp còn lại thì chưa quan tâm “hậu” lắp đặt, nên số lượng tàu cá mất kết nối do lỗi kỹ thuật còn khá lớn.

Nhân viên Công ty Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam đang lắp đặt thiết bị thông tin cho tàu cá của ngư dân. Ảnh: Thành Long

Không chỉ Quảng Ngãi, Bình Định, một số địa phương khác cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xem xét, tổ chức kiểm tra, đánh giá lại phầm mềm Hệ thống giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản và các thiết bị VMS của các đơn vị cung cấp để có kết luận chính thức về nhiều tàu cá mất kết nối chưa rõ nguyên nhân (Năm vừa qua Kiên Giang có đến 2.000 tàu mất kết nối nhưng chỉ đủ căn cứ xử phạt 89 tàu...).

Cần sớm hiện đại hóa hệ thống VMS theo hướng có các tổng trạm ở bờ do Tổng cục Thủy sản quản lý để theo dõi, giám sát tàu cá cả nước, tránh việc các địa phương tự theo dõi VMS tàu cá như hiện nay. Khi đã có các tổng trạm sẽ thuận lợi hơn trong việc phối hợp, hiệp đồng, kết nối với các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển...

Để cải thiện quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản và khai báo nhật ký khai thác điện tử, thời gian tới Chính phủ, Tổng cục Thủy sản và các địa phương cần dành nguồn lực đáng kể để đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa các cảng cá. Hiện nay mới có 49/65 cảng cá trên cả nước đang hoạt động có đủ điều kiện xác định nguồn gốc thủy sản xuất khẩu đi các nước.

Số lượng cảng cá của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 50% so với qui hoạch, do đó đang rất cần nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất ở các cảng cá; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, kiểm soát sản lượng thủy sản, quản lý cảng cá, tàu cá. Chính phủ và địa phương cần bổ sung nguồn nhân lực cho các cảng cá theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; chấn chỉnh việc cấp bằng và nâng cao chất lượng thuyền trưởng tàu cá, quản lý chặt hơn việc thu mua hải sản để thuận lợi hơn trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản...

Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn