Các câu hỏi liên quan đến nghĩa vụ quân sự năm 2017

Nghĩa vụ quân sự 2017 được nhiều người quan tâm. Hiện đang trong thời gian chuẩn bị cho đợt nhập ngũ năm 2017. Dưới đây là tổng hợp các câu hỏi liên quan đến nghĩa vụ quân sự năm 2017.

STT

Câu hỏi

Giải đáp

1

Thời gian khám sức khỏe NVQS:

Tôi muốn hỏi thời gian khám sức khỏe NVQS năm 2017 vào thời gian nào? Và khi nào sẽ nhập ngũ?

   Theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Luật nghĩa vụ quân sự 2015:

   “Thời gian khám sức khỏe từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 của Luật này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”

   Như vậy, thời gian khám sức khỏe là từ ngày 01/11/2016 đến ngày 31/12/2016.

   Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định:

   “Hằng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.”

   Thời gian nhập ngũ là tháng 02 hoặc tháng 03 năm 2017 Trường hợp địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì có thể có sự điều chỉnh thời gian nhập ngũ.

2

Độ tuổi nhập ngũ là bao nhiêu?

Tôi nghe có người nói độ tuổi gọi nhập ngũ là tới 25 tuổi, người nói là 27 tuổi. Vậy độ tuổi tối đa để gọi nhập ngũ là 25 tuổi hay 27 tuổi?

   Theo quy định tại điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 thì Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi

   Như vậy, độ tuổi nhập ngũ là từ 18-25 tuổi và đến hết 27 tuổi đối với người đi học đại học,cao đăng được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

3

Tốt nghiệp đại học có phải đi nghĩa vụ?

Tôi tốt nghiệp đại học được 03 tháng và hiện đang đi làm. Trước đây vì đi học đại học nên tôi được tạm hoãn nghĩa vụ. Vậy cho tôi hỏi tôi tốt nghiệp đại học rồi thì tôi có phải đi nghĩa vụ nữa không?

   Trường hợp anh đi học được đại học được tạm hoãn theo điều điểm g khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015:

   “Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gianmột khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.”

   Theo khoản 3 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015:

   “Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.”

   Như vậy anh đã tốt nghiệp đại học không còn lý do được tạm hoãn thì nếu đảm bảo các tiêu chuẩn tuyển quân thì sẽ được gọi nhập ngũ.

4

Cận bao nhiêu độ thì được miễn nghĩa vụ quân sự?

Tôi bị cận mắt trái 3 độ, mắt phải 2 độ thì có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

   Theo Điểm a và điểm c, Khoản 3, Điều 4 Thông tư 140/2015/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và Phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ không gọi nhập ngũ đối với các trường hợp cận thị:

·      Cận thị từ 3.0 điop trở lên.

·      Cận thị từ 1.5 điop trở lên và thuộc sức khỏe loại 3.

   Như vậy trong trường hợp của bạn thì sẽ không được gọi nhập ngũ vì không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ theo quy định

5

Loạn thị, viễn thị có phải nhập ngũ không?

Theo tôi được biết thì loạn thị thì sẽ không phải nhập ngũ, viễn thị cũng không nhưng không biết cụ thể pháp luật quy định như thế nào?

   Theo Điểm a và điểm c, Khoản 3, Điều 4 Thông tư 140/2015/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và Phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ không gọi nhập ngũ đối với những công dân có sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt: viễn thị các mức độ.

   Đồng thời tại Phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì các loại loạn thị thuộc sức khỏe loại 6, không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.

   Tham khảo thêm tại bài viết Các trường hợp không phải nhập ngũ do cận thị.

6

Xăm hình vẫn phải đi nghĩa vụ

Năm nay tôi 22 tuổi, có xăm ở 2 bàn tay và trên cổ thì có được đi nghĩa vụ quân sự không?

   Trước đây, theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 4 Thông tư 167/2010/TT-BQP quy định về tiêu chuẩn tuyển quân thì: "Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội."

   Tuy nhiên, Thông tư 140/2015/TT-BQP được ban hành thay thế Thông tư 167 đã bãi bỏ quy định xăm hình phản cảm thì không gọi nhập ngũ vào Quân đội. Vì vậy, cho dù có xăm như thế nào thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

   Trường hợp của anh không thuộc trường hợp được miễn, nếu anh đảm bảo đủ các tiêu chuẩn tuyển quân thì anh sẽ được thực hiện nghĩa vụ quân sự.

7

Sẽ bị xử phạt nếu không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Vừa rồi xã có giấy gọi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhưng mình không có nhà và không đi khám vậy mình có bị xử phạt hay không?

   Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì người không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng.

   Lí do chính đáng anh tham khảo qụy định tại Điều 5 Thông tư 95/2014/TT-BTP

   Trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm sẽ bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm (Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự).

8

Trả lương cho nhân viên công ty tham gia lệnh gọi khám sức khỏe

Tôi đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa rồi có giấy khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Nếu tôi về quê khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì có được chi trả tiền tàu xe không? Tôi không thuộc trường hợp phạm vi làm việc tại cơ quan nhà nước, nếu được chi trả thì ai sẽ là người đứng ra chi trả trong trường hợp này?

   Theo khoản 2 Điều 12 quy định tại Nghị định 13/2016/NĐ-CP thì:

   Trường hợp công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự được đảm bảo các chế độ sau:

· Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh;

· Thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

   Tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định 13/2016/NĐ-CP:

   “Công dân không thuộc cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả.”

   Như vậy, trường hợp của anh sẽ được chi trả tiền ăn, thanh toán tiền tàu xe, anh liên hệ với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện đã ban hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

9

Các trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Nhà mình có 2 người đi nghĩa vụ rồi mình có giấy khám thì có được hoãn không?

   Theo quy định tại Luật nghĩa vụ quân sự 2015 và Thông tư 140/2015/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ thì công dân được tạm hoãn nhập ngũ trong thời bình nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

2. Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

3. Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

4.  Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

5.  Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;

6.  Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

7.  Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

   Như vậy, Căn cứ vào các quy định trên thì chỉ đwocj tạm hoãn khi có anh, chị, em đang phục vụ tại ngũ, gia đình bạn có 02 đều đã đi nghĩa vụ nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ và có giấy xuất ngũ nên không còn là binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo như quy định trong điều luật. Do vậy, bạn không thuộc trường hợp được hoãn nghĩa vụ quân sự nên bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đáp ứng điều kiện về độ tuổi và sức khỏe.

10

Danh mục các bệnh được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự

Tôi muốn hỏi các trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

   Theo quy định của pháp luật, hiện nay có các trường hợp được miễn thực hiện NVQS bao gồm:

1.  Không đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe: 10 bệnh lý được miễn NVQS 2017

·    Bệnh Tâm thần (mã bệnh ICD10: F20-F29);

·    Bệnh Động kinh (mã bệnh ICD10: G40)

·    Bệnh Parkinson (mã bệnh ICD10: G20);

·    Mù một mắt (mã bệnh ICD10: H54.4);

·    Điếc (mã bệnh ICD10: H90);

·    Di chứng do lao xương, khớp (mã bệnh ICD10: B90.2);

·    Di chứng do phong (mã bệnh ICD10: B92);

·    Các bệnh lý ác tính (mã bệnh ICD10: C00 đến C97; D00 đến D09; D45-D47);

·   Người nhiễm HIV (mã bệnh ICD10: B20 đến B24, Z21);

·   Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng.

   Theo điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 140/2015/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ thì không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 điop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS.

   Ngoài ra còn có các những bệnh khác nhưng buộc phải thông qua bước kiểm tra sức khỏe gắt gao. Xem chi tiết tại Phụ lục I - Phân loại sức khỏe theo thể lực và bệnh tật được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP;

2.  Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

3.   Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

4.   Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

5.  Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

6.   Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

11

Các trường hợp được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình

Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

· Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;

·  Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;

· Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;

· Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

Ngô Văn Thìn (TH)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn