Bóng đá Việt Nam: Từ cột mốc lịch sử nhìn về chặng đường phía trước
HQ Online -
Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã khép lại hành trình ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á bằng chiến công lịch sử khi tiến vào đến vòng loại cuối cùng. Phía trước chúng ta là cả chặng đường dài đầy chông gai để hướng đến mục tiêu xa hơn, mà không gì khác là bước ra sân chơi World Cup.
Sau 8 lượt trận, giành tới 5 chiến thắng, 2 trận hòa, để thua duy nhất 1 trận, xuất sắc giành vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, thực sự là một cột mốc lịch sử của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Với tất cả lòng khiêm tốn, chúng ta có quyền tự hào về các chàng trai áo đỏ. Đi hết từ thành công này đến thành công khác hơn 3 năm qua, họ đã mang lại niềm vui quá lớn cho người hâm mộ cả nước.
Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng bàn thắng vào lưới Indonesia. Ảnh: thethaovanhoa.vn
Chỉ có một chút tiếc nuối nho nhỏ khi trong trận cuối cùng gặp đối thủ UAE ở đẳng cấp cao hơn, chúng ta đã không thể làm nên một bất ngờ. Nhưng nhìn theo chiều hướng tích cực, trận thua 2-3 trước UAE chúng ta được nhiều hơn mất. Chúng ta thu được bài học về sự tập trung cao độ trong khi giáp mặt với những đối thủ đẳng cấp. Chúng ta cũng thể hiện cho cả thế giới biết, dù có lâm vào tình thế khó khăn như nào thì tinh thần Việt Nam vẫn luôn rực cháy, các cầu thủ vẫn chiến đấu đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc hay dễ dàng sụp đổ.
Quan trọng nhất, một lần nữa chúng ta thấy được mình đang đứng ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Á. Bỏ lại sau lưng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, những đội mạnh nhất khu vực, Việt Nam giờ đã vươn lên top 14-15 đội hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, để đạt được trình độ ngang bằng những đội như UAE, Qatar, Iraq, Syria thì còn phải phấn đấu. Chúng ta cũng còn ở một khoảng cách khá xa so với các đội thường xuyên đại diện cho châu Á đi dự World Cup gồm Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Australia, Saudi Arabia.
Tạm gác lại những cảm xúc vui sướng và cả sự tiếc nuối, giờ là lúc chúng ta nghĩ về đường dài phía trước bằng sự tỉnh táo và lý trí. Trước mắt, chúng ta cần bắt tay vào chuẩn bị để thi đấu tốt nhất có thể ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Ít nhất sẽ là 10 lượt đấu với các anh tài của châu Á đang chờ chúng ta. Gần như chắc chắn, chúng ta không có cơ hội giành vé đi World Cup 2022, trừ khi có một phép màu xảy ra. Đó là một thực tế cần phải nhìn nhận, quán triệt để nếu có thất bại, chúng ta cũng không bi quan. Khả dĩ nhất đối với đội tuyển Việt Nam là tận dụng triệt để sân chơi quý giá này để nâng tầm cầu thủ, thu hẹp đẳng cấp với các đội xếp trên, tích lũy kinh nghiệm cho chặng đường dài, cho một tầm nhìn xa hơn: World Cup 2026.
Quang Hải trong trận Việt Nam gặp UAE. Ảnh: thethaovanhoa.vn
Có thể thấy, lứa cầu thủ hiện nay của đội tuyển Việt Nam đa số sinh năm 1997 trở về sau, là tương lai của chúng ta. Những Quang Hải, Tiến Linh, Đức Chinh, Đình Trọng, Thành Chung, Tấn Tài (1997) hay Hoàng Đức (1998), Văn Hậu, Văn Toản, Việt Anh, Hoàng Anh, Văn Xuân (1999), rồi Hai Long, Thanh Bình (2000), sau 5 năm nữa sẽ vào độ chín của năng lực và kinh nghiệm. Họ sẽ là đầu tàu dẫn dắt các cầu thủ xuất sắc khác ở lứa U22, U19, U18 hiện nay chiến đấu cho mục tiêu World Cup 2026, khi giải đấu nâng lên 48 đội và số vé dành cho châu Á tăng lên đáng kể. Đó là cơ hội dành cho chúng ta.
Bên cạnh phấn đấu duy trì thành tích ở cả khu vực lẫn châu lục, với mọi cấp độ đội tuyển để không bị đứt gãy truyền thống, quãng thời gian 5 năm tới, là lúc chúng ta phải tăng cường hơn nữa cho công tác đào tạo tạo trẻ. Các lứa trẻ phải liên tục được kế tiếp, gối đầu, tạo chân đế vững chắc hơn nữa cho các giải chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia. Việc hình thành các trung tâm đào tạo trẻ, có sự hợp tác với nước ngoài, áp dụng những chương trình đào tạo cầu thủ tiên tiến và công nghệ hiện đại của thế giới thời gian qua như: Hoàng Anh Gia Lai, PVF, Nuti Food, Viettel… là hướng đi đúng cần phát huy.
Việc xã hội hóa bóng đá là xu hướng tất yếu, không thể khác, nhằm thu hút mọi nguồn lực cho cả nền bóng đá phát triển đi lên. Bóng đá phong trào và bóng đá học đường cần được quan tâm hơn để tạo nguồn cung nhân lực dồi dào cho quá trình sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo cầu thủ bóng đá đỉnh cao. Song hành với đó là đào tạo các chuyên gia, huấn luyện viên bóng đá, những người hoạch định chiến lược và trực tiếp thực hiện các định hướng phát triển nền tảng bóng đá Việt Nam.
Tiến Linh ghi bàn vào lưới UAE. Ảnh: bongda24h.vn
Các giải bóng đá chuyên nghiệp (V League, hạng Nhất, hạng Nhì) cũng như các giải trẻ cần được nâng cao về chất lượng, tạo môi trường thi đấu và cạnh tranh lành mạnh cho các cầu thủ phát triển. Chỉ khi nào chúng ta có hệ thống các giải vô địch quốc gia mạnh, chúng ta mới có thể nghĩ tới chiếc vé đi World Cup.
Trong thời điểm phù hợp, chúng ta cũng cần mạnh dạn đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đây là việc chúng ta đã làm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả khi các cầu thủ xuất ngoại hầu hết chưa khẳng định được năng lực. Nhưng đó cũng là bước đệm, là cơ sở để chúng ta rút kinh nghiệm và kiên định với hướng đi này.
Cuối cùng, ở thượng tầng, chúng ta cần có một định hướng và tầm nhìn chiến lược, có triết lý phát triển bóng đá xuyên suốt, hệ thống và ổn định, có cách làm thật bài bản, căn cơ, phát huy tốt nhất bản sắc văn hóa, tố chất con người Việt Nam. Giống như cái cách mà chúng ta đã và đang làm thành công với bóng đá trong nhà (Futsal). Hai lần giành vé dự World Cup bóng đá trong nhà, Futsal đang truyền cảm hứng để chúng ta biến giấc mơ World Cup trên sân cỏ sớm trở thành hiện thực.
Kao Dân
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 162 tham gia thử thách chạy bộ “Higreen – Vì Trường Sa xanh” - ( 23-11-24 01:00 )
- Tiểu đoàn 158 tổ chức giao hữu thể thao - ( 22-11-24 08:00 )
- Vùng 3 phát động thử thách chạy bộ “Higreen – Vì Trường Sa xanh” - ( 16-11-24 06:00 )
- Chi đội Kiểm ngư số 3: Hội thao các chuyên ngành năm 2024 - ( 14-11-24 03:00 )
- Trung tâm TDTT Quốc phòng 5: Giành 2 Huy chương Vàng tại Giải vô địch lặn Đông Nam Á - ( 06-11-24 04:00 )