Bộ Quốc phòng sơ kết 3 năm thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”

HQ Online -

Chiều 2/1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Quốc phòng

Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì.

Dự hội nghị có thủ trưởng: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, nhà trường, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 172 điểm cầu trong toàn quân.

Chuẩn Đô đốc Trần Ngọc Quyết, Phó Tham mưu trưởng Hải quân cùng đại diện các cơ quan tham dự tại điểm cầu Bộ Tư lệnh Hải quân.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương trao Bằng khen của Bộ Quốc phòng tặng các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Với mục đích gắn nhà trường với đơn vị, đào tạo gắn với sử dụng, nhiều nhà trường và đơn vị đã tổ chức ký kết, triển khai thực hiện quy chế phối hợp. 3 năm qua, các học viện, nhà trường đã mời 2.324 lượt lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị tham gia vào các hoạt động giáo dục và đào tạo (tăng 456 lượt so với giai đoạn 2018-2021).

Các đơn vị tham gia có trách nhiệm, hiệu quả hơn vào dự thảo các văn bản, dự thảo các đề án, dự án về giáo dục và đào tạo.

Nhiều đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong sử dụng thao trường, bãi tập, vũ khí, trang thiết bị phục vụ huấn luyện, đào tạo. Qua đó, đã tạo được sự thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm giữa nhà trường và đơn vị, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của cả đơn vị và nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực.

Hình thức, phương pháp dạy học có nhiều đổi mới, chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động sang trang bị cho người học cách học, khả năng tư duy sáng tạo, biết vận dụng kiến thức được trang bị vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đa dạng hóa các hình thức tập bài, diễn tập và các hoạt động ngoại khóa, tham quan, nghiên cứu thực tế; chú trọng các phương pháp dạy học tích cực, “lớp học đảo chiều”, lấy người học làm trung tâm; ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào dạy học.

Từ năm 2022 đến nay đã hoàn thành 206 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, sát đúng... Quy trình, chương trình đào tạo được đổi mới cơ bản, toàn diện, hệ thống, sát thực tế; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hóa.

Các đơn vị tham gia tích cực, trách nhiệm hơn vào các hoạt động của nhà trường; khoảng cách giữa nhà trường và đơn vị được thu hẹp. Chất lượng đào tạo của các nhà trường được nâng lên; học viên tốt nghiệp ra trường có phẩm chất, năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư lệnh Hải quân

Kết luận hội nghị, Đại tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương những nỗ lực và thành tích các cơ quan, đơn vị, nhà trường đạt được thời gian vừa qua; chỉ rõ một số hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, bất cập; đồng thời yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra nhiều giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu các cơ quan, đơn vị và nhà trường toàn quân tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 1657, 1659 ngày 20/12/2022 của Quân uỷ Trung ương và các đề án, dự án, kế hoạch về công tác giáo dục và đào tạo. Tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo đối với khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc, tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp, người đứng đầu trong thực hiện các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương lưu ý cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý giáo dục các cấp với đơn vị và nhà trường; giữa nhà trường với đơn vị; giữa nhà trường với nhà trường và các tổ chức giáo dục trong và ngoài Quân đội; giữa nhà trường với gia đình, địa phương trong các hoạt động của nhà trường; gắn nhà trường với đơn vị, đơn vị với nhà trường.

Nhà trường phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo; nhưng đơn vị phải coi chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của chính đơn vị mình. Từ đó có trách nhiệm tham gia, phối hợp thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Các cơ quan, đơn vị chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển cán bộ đơn vị về nhà trường, nhà trường ra đơn vị để giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ; thu hút được nhiều cán bộ đơn vị có kiến thức, năng lực, kinh nghiệm về nhà trường công tác và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, phấn đầu và cống hiến. Có giải pháp mang tính đột phá để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, vừa giảng dạy, nghiên cứu trong các nhà trường, đồng thời còn tham gia có hiệu quả vào các dự án, đề án về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của quốc gia, phát triển công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội...

Tin, ảnh: Duy Khánh

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn