Biển, đảo Trường Sa là nơi đẹp nhất, thiêng liêng nhất của Tổ quốc
Nhà báo Tạ Bích Loan (Trưởng ban biên tập VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam) được công chúng yêu mến qua những show truyền hình hấp dẫn, công phu, cảm động, tạo được dấu ấn và mang nhiều ý nghĩa xã hội, như: “Đường lên đỉnh Olympia”, “Bảy sắc cầu vồng”, “Người đương thời”,… Dù phản ánh đa diện các mặt đời sống, song Nhà báo Tạ Bích Loan vẫn dành nhiều tâm huyết cho biển, đảo và bộ đội Hải quân. Trong suy nghĩ của chị, biển, đảo Trường Sa là nơi đẹp nhất, thiêng liêng nhất của Tổ quốc.
Nhà báo Tạ Bích Loan. Ảnh: CTV
Phóng viên (PV): Thưa chị! Là một nhà báo đã thực hiện rất nhiều chương trình truyền hình sâu sắc, giàu tính nhân văn, trong số đó, chị đã dành nhiều chương trình cho biển, đảo và bộ đội Hải quân. Phải chăng, đây là “cái duyên” của chị đối với những người giữ biển?
Nhà báo Tạ Bịch Loan: Đề tài biển, đảo Việt Nam và người chiến sĩ Hải quân luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của người dân cũng như báo chí Việt Nam. Với tôi đây là đề tài yêu thích nhất.
Chương trình đầu tiên tôi được làm về chủ đề này vào năm 2001. Đó là chương trình đáng nhớ nhất vì lần đầu tiên Quân chủng Hải quân thực hiện một chương trình truyền hình công bố rộng rãi những tư liệu về Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tất cả những thuyền trưởng, những thủy thủ từng tham gia vào tuyến đường bí mật này còn sống lần đầu được gặp lại nhau sau rất nhiều năm.
Cũng trong chương trình này, có một câu chuyện mà tôi mãi mãi không bao giờ quên. Trong một trận chiến ở Cà Mau, khi tàu ta chuẩn bị vào bãi thì bị phát hiện và bị tàu địch quây, một đồng chí pháo thủ bị thương vào chân đã chủ động đề nghị đồng đội cắt đi cái chân lủng lẳng của mình để tiếp tục chiến đấu. Sau bao nhiêu năm, khi thực hiện chương trình, lần mò qua những hồi ức, chúng tôi may mắn tìm được người pháo thủ ấy. Đến giờ chót, anh xuất hiện trên sân khấu với một chiếc nạng và ôm chầm lấy đồng đội của mình. Giờ anh là một người nông dân rất nghèo, không bao giờ nghĩ sẽ được mời tới một cuộc gặp gỡ như vậy. Nếu không có chương trình này thì không biết đến bao giờ người chiến sĩ ấy mới có thể gặp lại hàng trăm đồng đội của mình. Khó khăn về vật chất khiến cho những cuộc gặp đó với họ như một giấc mơ.
Trên đất nước mình, đã có bao hy sinh, cống hiến một cách bình thản và trong sáng như vậy. Họ không đòi hỏi gì cho mình. Nhưng chính vì thế mà chúng ta lại càng thấy làm được quá ít cho họ. Thật tuyệt vời khi Quân chủng Hải quân đã lập được danh sách và tôn vinh những người chiến sĩ ấy.
PV: Sau chương trình này, được biết là chị đã tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức để đồng hành cùng những người lính biển trong những chương trình truyền hình để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả? Chị chia sẻ vấn đề này?
Nhà báo Tạ Bích Loan: Đúng vậy. Sau lần đó, tôi cùng ê-kíp thực hiện nhiều chương trình lớn, như: kỷ niệm 45 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển; 40 năm Đặc công Hải quân; 50 năm thành lập Quân chủng Hải quân… Mỗi lần tham gia đồng hành cùng những người lính biển, đối với tôi đó là những lần học tập và trải nghiệm tuyệt vời. Lịch sử hào hùng của những người lính biển luôn sống động trong trái tim tôi. Đến giờ, mỗi khi đứng trước biển trong đêm đen, tôi thường nghĩ đến hình ảnh của những người lính đó.
Nhớ nhất, là năm 2006, khi chúng tôi làm chương trình kỷ niệm 40 năm Đặc công Hải quân, lần đầu tiên một sân khấu truyền hình được dựng lên tại bãi biển Cửa Việt. Đối với chương trình này, câu chuyện tôi ấn tượng nhất là về tình quân dân trong kháng chiến.
Tại chương trình kỷ niệm đó, ê-kip đã bất ngờ tạo cơ hội cho anh lính đặc công năm xưa ấy gặp lại người mẹ trong đám đông khán giả. Người mẹ ấy đã không quản ngại hy sinh, nhanh trí dấu anh thoát chết khỏi sự truy soát của lính ngụy. Đó là một giây phút rất cảm động.
Và đến năm 2014, nhân kỷ niệm 26 năm sự kiện Gạc Ma, cùng với Báo Lao động, chúng tôi đã làm một talkshow về sự kiện này và Ban tổ chức đã quyên góp được hàng trăm tỷ để xây tượng đài Gạc Ma.
Tôi vẫn nhớ ấn tượng khi tìm được những di vật của những chiến sĩ hy sinh trọng trận chiến giữ đảo. Trong số đó có một chiếc ba lô của một người lính trẻ tên là Nguyễn Bá Cường được bàn giao lại cho bố của anh. Bên trong chiếc ba lô cũ là Thẻ Đoàn viên, 1 đôi dép,1 bộ quân phục, 2 cái áo may ô, nhật ký, và bức thư mà liệt sĩ chưa kịp gửi cho bố mẹ mình. Có một biên bản bàn giao ghi tên bố anh nhận lại những kỉ vật còn lại của đứa con trai mình. Đọc danh sách danh sách tài sản đó, cả hội trường bật khóc. Gia tài của một người lính hy sinh cho Tổ quốc chỉ còn những đồ vật đơn sơ như vậy.
Màn hát múa trong giao lưu 60 năm lời thề giữ biển do VTV 6 thực hiện. Ảnh: Trọng Đăng
PV: Làm nhiều chương trình về biển, đảo, đã bao giờ chị được ra Trường Sa chưa?
Nhà báo Tạ Bích Loan: Tôi đã có dịp đến đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa vào dịp 30-4-2005 để thực hiện chương trình “Người đương thời” nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Trường Sa. Tàu mà tôi đi là Tàu 639, về là tàu Trường Sa 14. Tàu nhỏ và rung lắc nhiều nên tôi bị say sóng “bê bết”. Khi lên đến đảo thì điều đập vào mắt tôi trước hết là ánh mắt của những người lính. Đó là những ánh mắt đau đáu nỗi nhớ đất liền. Vào năm 2005, phương tiện liên lạc rất khó khăn, điện thoại về đất liền chưa có (khi đó chỉ có điện thoại quân sự), thư đi thì cả tháng trời mới đến. Vì thế, dù bên ngoài, các chiến sĩ đều thể hiện sự kiên cường, tươi vui, ngày ngày tuần tra bám đảo, nhưng những lúc ngồi nói chuyện và nhìn ánh mắt của họ thì tôi mới thấy là từ chỉ huy đến chiến sĩ đều có một điểm chung: đó là sự kìm nén về cảm xúc. Những ánh mắt đau đáu hướng về đất liền mà nhìn vào đó tôi thấy nỗi nhớ mênh mông.
Nhưng mà các anh lính đảo thì hóm hỉnh và thân thiện lắm. Khi đi tham quan quanh đảo, tôi phát hiện ra một nội quy về nuôi lợn, trong đó ghi rõ yêu cầu phải trân trọng, nâng niu và không được đối xử tệ với lợn. Các bạn có biết vì sao không? Vì trên đó, lợn, gà và chó đều là những người bạn, là một phần đất liền thiêng liêng.
Sau khi trở về, tôi được tặng cành hoa hồng bằng ốc mà đến giờ tôi vẫn luôn bày trang trọng trên bàn làm việc của mình.
PV: Năm 2013, lần đầu tiên Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện cầu truyền hình về nghi lễ chào cờ ở Trường Sa song song với lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Chị có thể chia sẻ về ý tưởng chương trình này?
Nhà báo Tạ Bích Loan: Vâng, đó là lần đầu tiên cờ Tổ quốc được kéo lên ở hai địa danh thiêng liêng như vậy. Và tất cả mọi người cùng hát Quốc ca. Đó là một sự kết nối về tinh thần giữa đảo Trường Sa và Quảng trường Ba Đình lịch sử. Facebook của cả ê-kip và những người bạn khi đó đều để avatar là hình Lá cờ Tổ quốc.
Khi cờ được kéo lên, và chúng tôi được nghe lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam truyền về từ Trường Sa, cả ê-kip đều vô cùng xúc động và tự hào được kết nối với khán giả trong một tình yêu lớn: tình yêu Tổ quốc.
Đoàn công tác của VTV khi đó có 50 người, vào đúng mùa mưa bão nên chúng tôi rất lo lắng và chúc nhau: Hãy chân cứng đá mềm. Đây cũng là chương trình đầu tiên thực hiện nghi lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Nghi lễ này có ý nghĩa rất sâu sắc với những câu chuyện đã rất lâu chưa được nhắc tới. Điều đặc biệt là trên chuyến tàu ra đảo với chúng tôi còn 2 con trai của liệt sỹ Vũ Phi Trừ. Lần đầu tiên họ được ra vùng biển mà cha họ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
PV: Trên cương vị là Trưởng ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam, chị có kế hoạch hay dự định gì trong việc định hướng, tuyên truyền, giáo dục về tình yêu biển, đảo cho thanh thiếu niên?
Nhà báo Tạ Bích Loan: Hàng năm, Ban Thanh thiếu niên đều cử những ê-kip công tác ra quần đảo Trường Sa. Đó là nhiệm vụ đồng thời là mong ước và vinh dự của mỗi người trong ê-kip. Các bạn trẻ ở cơ quan tôi đều nói với nhau rằng: Làm nghề thì ước mơ một lần được đến Trường Sa, một trong những nơi đẹp nhất, thiêng liêng nhất của Tổ quốc.
Năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều chương trình đưa khán giả trẻ tham gia trải nghiệm môi trường quân ngũ, khám phá lịch sử, truyền thống để họ thêm hiểu và tin yêu Hải quân Việt Nam nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
PV: Xin chân thành cảm ơn Nhà báo!
Thanh Hằng (thực hiện)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tàu 467 cứu nạn thành công tàu cá Bình Định - ( 22-11-24 01:00 )
- Vùng 2 phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - ( 21-11-24 02:00 )
- Tri ân những nhà giáo ở Trường Sa - ( 21-11-24 08:00 )
- Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam - ( 20-11-24 10:00 )
- Các đơn vị chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 - ( 20-11-24 03:00 )