Ánh sáng-niềm tin
Mới đây, Viện Y học Hải quân đã thực hiện mổ phaco thành công cho 29 bệnh nhân suy giảm thị lực do đục thuỷ tinh thể. Với sự đồng bộ từ kỹ thuật cho đến chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, Viện Y học Hải quân đang hướng đến phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân và dân địa bàn.
Từ 19-6, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Y học Hải quân đã triển khai kỹ thuật mổ phaco thay thuỷ tinh thể. Đến nay, các đợt mổ phaco tại Viện được tổ chức với tần suất trung bình 20 ngày/đợt, mỗi đợt có từ 10 đến 15 bệnh nhân.Gần đây nhất ngày 7-7, các bác y, bác sĩ Khoa B9, Viện Y học Hải quân cùng Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Đông Phương, Chủ nhiệm Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo thành công cho 13 bệnh nhân bị giảm thị lực do đục thủy tinh bằng phương pháp phaco. Chỉ sau 2 ngày vừa phẫu thuật, vừa theo dõi sức khỏe sau mổ tại Viện, hầu hết các bệnh nhân đã ra viện. Ai nấy đều vui mừng, phấn khởi khi được trở về nhà với đôi mắt sáng rõ, tinh tường.
Lần thứ 2 mổ phaco, ông Trần Văn Hải, sinh năm 1955, trú tại tổ 6, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng cho biết: Trước đây, mắt phải của ông đã phẫu thuật thay thủy tinh thể tại bệnh viện khác ở Hải Phòng nhưng chỉ khắc phục được thị lực 2/10. Vài tháng trở lại đây, mắt trái của ông rơi vào tình trạng tương tự, mắt mờ đục nên nhìn mọi thứ rất khó khăn. “Nhiều người khuyên tôi lên Hà Nội nhưng khi đến khám và tìm hiểu ở đây, được biết Viện mới đưa vào sử dụng Trung tâm Kỹ thuật cao có phòng mổ phaco trang bị máy hiện đại, khi mổ lại có bác sỹ và có chuyên gia đầu ngành về mắt của Bệnh viện 108 trực tiếp tham gia nên tôi quyết định mổ ở đây. Ở đây vừa gần nhà mà chất lượng lại chẳng thua gì tuyến trung ương. Giờ mắt trái của tôi phục hồi thị lực tới 7/10” ông Hải chia sẻ.
Với ca mổ của bà Đặng thị Dung, 74 tuổi, ở số 12/92 khu A3, phường Cát Bi, thành phố Hải Phòng thì có phần khó khăn hơn do bà bị mắc bệnh đái tháo đường nên quá trình phẫu thuật, đồng tử không giãn dù đã sử dụng các biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên kíp mổ vẫn cố gắng phẫu thuật lấy được thủy tinh thể và đặt được IOL mà không bị tai biến rách bao sau hay thoát dịch kính. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị tích cực nên thị lực đã tăng rất nhiều. Khi ra viện, bà Dung đã viết thư cảm ơn Viện cũng như các y, bác sĩ của Khoa B9. Bà phấn khởi khoe rằng: “Trước khi mổ, mọi vật xung quanh tôi hầu như không thấy rõ, cuộc sống sinh hoạt khó khăn lắm, phải đeo kính mới có thể đi lại được. Giờ thì chẳng cần phải đeo kính nữa. Tôi mừng lắm!”.
Đến nay đã có 29 bệnh nhân đục thuỷ tinh thể tìm lại được ánh sáng vì được mổ mắt kịp thời tại Viện Y học Hải quân. Hầu hết họ đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu, tâm lý bất ổn, chính vì vậy quy tắc ứng xử đối với họ được các y, bác sĩ Khoa B9, Viện Y học Hải quân đặc biệt chú ý. Bà Cao Thị Lỷ ở xã Phong Cầu, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng tâm sự: “Nhà neo người nên tôi và gia đình trông cậy cả vào các y, bác sĩ. Ở đây ai nấy đều rất tận tình, chu đáo khiến tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà. Sau khi mổ, tôi được kiểm tra và dặn dò cẩn thận, cụ thể để đảm bảo mắt có thể hồi phục một cách tốt nhất. Thời gian tới, tôi sẽ bố trí để mổ tiếp mắt còn lại ở Viện”.
Là người trực tiếp tham gia mổ phaco, Thiếu tá, Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Phi Long, Phó Chủ nhiệm Khoa B9 cho biết: Khác với các cơ sở mổ phaco trên địa bàn Hải Phòng thường tiêm thuốc tê cho bệnh nhân, chúng tôi áp dụng nhỏ thuốc. Phương pháp vô cảm này rất ưu điểm là hạn chế thấp nhất tình trạng sốc phản vệ, tâm lý sợ hãi và tình trạng tím mi cho bệnh nhân. Các bệnh nhân mổ phaco ở đây, chúng tôi đều áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế. Qua 2 đợt mổ, theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Đông Phương thì điều kiện phòng mổ, trang bị và trình độ bác sĩ của Viện hoàn toàn đáp ứng mổ phaco mà không cần sự có mặt của chuyên gia. Tuy nhiên thời gian tới, chúng tôi vẫn duy trì mời Phó giáo sư Phương tiếp tục hỗ trợ thêm để nâng cao trình độ điều trị các bệnh về mắt. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu là phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của quân và dân.
Sự thành công các đợt mổ phaco ở Viện Y học Hải quân không chỉ nhờ máy móc mà còn khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Khoa B9 khi làm chủ được kỹ thuật chuyên khoa khó như kỹ thuật mổ phaco thay thủy tinh thể. Chắc chắn với nỗ lực ấy, nhiều bệnh nhân đục thuỷ tinh thể khác sẽ được hưởng niềm vui khi tìm lại được ánh sáng. Qua đó, niềm tin của người bệnh cũng như thương hiệu của Viện Y học Hải quân ngày càng được nâng cao trong lòng quân và dân đến khám chữa bệnh tại đây.
Bài, ảnh: Phúc Vinh
Phẫu thuật Phaco là dùng năng lượng sóng siêu âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ không cần khâu và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo khác. Đây là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay với độ an toàn cao cùng nhiều ưu điểm vượt trội so với các kỹ thuật mổ trước. Thông thường sau mổ 1 ngày, bệnh nhân có thể bỏ băng mắt và nhìn được bình thường mà không có cảm giác khó chịu.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 685 khánh thành, bàn giao nhà đồng đội - ( 23-11-24 01:00 )
- Tân cảng Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Tây Nguyên - ( 23-11-24 08:00 )
- Tàu 467 cứu nạn thành công tàu cá Bình Định - ( 22-11-24 01:00 )
- Vùng 2 phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - ( 21-11-24 02:00 )
- Tri ân những nhà giáo ở Trường Sa - ( 21-11-24 08:00 )