An sinh xã hội cho trẻ em

HQ Online -

Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, có quá ít tiến bộ đạt được trong việc đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng các chế độ an sinh xã hội. Ước tính khoảng 1,5 tỷ trẻ em trong độ tuổi từ 0-14 trên toàn thế giới không được hưởng trợ cấp gia đình hay trợ cấp cho trẻ em bằng tiền mặt.

Sử dụng lao động trẻ em là vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa

Các chuyên gia của ILO chỉ ra, có nhiều lý do để đầu tư vào an sinh xã hội toàn dân, trong đó, xóa bỏ lao động trẻ em là một trong những lý do thuyết phục nhất xét đến tác động của vấn đề này đối với quyền và phúc lợi của trẻ em.

Thực tế, hơn 160 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17, tương đương 10% trẻ em trên toàn thế giới vẫn đang tham gia lao động và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Con số lao động trẻ em có thể tăng thêm 8,9 triệu vào cuối năm 2022 do tình trạng nghèo đói tăng, biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em tham gia lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á và toàn cầu nhưng vẫn có trên 1 triệu lao động trẻ em từ 5-17 tuổi.

ILO cảnh báo, tiến bộ đạt được trong xóa bỏ lao động trẻ em sẽ tiếp tục đình trệ, nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động một cách quyết đoán.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 4.500 trẻ mồ côi; đe dọa sự an toàn, tâm lý, sức khỏe thể chất của trẻ em; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em..., nhất là các em nhỏ trong gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, trong đó, các Nghị quyết số 68, số 126 đã có nhiều giải pháp tập trung khắc phục những ảnh hưởng đối với trẻ em, góp phần phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em. Ngân sách Nhà nước và sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các nhóm xã hội đã giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19 đối với các hộ nghèo, cận nghèo trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ em tiếp tục học tập, hạn chế nguy cơ trở thành lao động.

Để củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, ILO khuyến nghị cần thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội cho trẻ em. Điều này có nghĩa là ưu tiên quyền lợi của trẻ em, cũng như mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, qua đó hỗ trợ họ chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.

Việc giảm thiểu lao động trẻ em sẽ dễ dàng hơn nếu các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội cung cấp đầy đủ các quyền lợi cả đời, từ trợ cấp xã hội cho trẻ em và gia đình nghèo, trợ cấp thai sản và thất nghiệp, đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., để tất cả các hộ gia đình có trẻ em, đặc biệt là những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất có thể được tiếp cận.

Với phương châm thúc đẩy đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội là một động lực của phát triển đất nước và tinh thần cùng hành động để phòng ngừa lao động trẻ em, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, tin tưởng rằng, tỷ lệ lao động trẻ em ở nước ta sẽ giảm dần, còn dưới 4,9% vào năm 2030.

PV (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn