98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: "Nối" Trường Sa gần hơn với đất liền
Ai trong đời làm báo cũng mong một lần được chạm chân đến Trường Sa - nơi ấy biểu tượng cho tinh thần bất khuất của bao thế hệ quân và dân gìn giữ bình yên đảo, nơi ấy là sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Với những người làm báo thành phố Cảng không là ngoại lệ, họ khát khao được đến, được trải nghiệm, được tác nghiệp giữa mênh mông trùng khơi...
Nhà báo Cao Dân (phía trái), Phó Tổng Biên tập Báo Hải quân Việt Nam cùng nhà báo Xuân Hồng, Báo điện tử Chính phủ tại đảo Đá Tây A. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Cao Dân, Phó Tổng Biên tập Báo Hải quân Việt Nam may mắn hơn các đồng nghiệp khác là được ra Trường Sa tác nghiệp nhiều lần. Hành trình đến với Trường Sa lần gần đây nhất vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm vừa qua. Lần nào đến với Trường Sa, cảm xúc trong nhà báo Cao Dân cũng thật tươi mới, tràn đầy năng lượng. Cứ mỗi lần đặt chân lên thềm cát san hô của đảo chìm, đảo nổi, trong anh lại trào dâng niềm tự hào. Rồi anh thấy hình ảnh chiến sĩ Hải quân đứng canh cột mốc chủ quyền uy nghi giữa đảo, những người lính nước da màu nắng tươi giòn, những nhà dân yên bình nép sau rặng bàng rợp mát, đâu đó bi bô tiếng trẻ học vần… trong lòng nhà báo Cao Dân vững vàng một niềm tin.
Nhà báo Cao Dân chia sẻ, nghề báo là “nghề xê dịch”, “nghề đi và viết”, “nghề đi và sáng tác”. Có đi thì mắt mới thấy, tai mới nghe, để có tư liệu mà phản ánh hiện thực cuộc sống qua ngòi bút, tấm ảnh, thước phim. Cái may và cũng là cái vất vả của nghề báo là được đi và phải đi, thậm chí là dấn thân nơi khó khăn, gian khổ... Nhưng có lẽ, trong cuộc đời của mỗi nhà báo, được đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một niềm vinh dự lớn, luôn đọng lại những ấn tượng khó phai, dù điều kiện tác nghiệp ở đó không hề đơn giản. Bởi, Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có những con người can trường, bản lĩnh, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc - chính là “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng cho những ý tưởng sáng tạo của các nhà báo.
"Nhiều đồng nghiệp cũng đồng cảm và thổ lộ với tôi rằng, giữa bộn bề lo toan cuộc sống, có ra Trường Sa tác nghiệp, có tận mắt chứng kiến ý chí, nghị lực phi thường của quân và dân ta, mới thấy mình lạc quan hơn, yêu đời hơn, suy nghĩ tích cực hơn và trách nhiệm nghề nghiệp của mình càng được đề cao hơn. Chính vì thế, mỗi bài báo, mỗi tấm ảnh, mỗi thước phim phản ánh về Trường Sa, luôn chứa đựng trong đó tất cả niềm đam mê tìm tòi sáng tạo, gửi gắm tình cảm và trách nhiệm chính trị của nhà báo hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc", nhà báo Cao Dân nói.
Mười ngày đến với Trường Sa của nữ nhà báo Hồng Thanh (Chuyên đề An ninh Hải Phòng) đầy ắp những kỷ niệm khó quên, những cảm xúc bồi hồi khó tả để rồi nỗi nhớ Trường Sa cứ day dứt khôn nguôi, để rồi cứ mỗi lần nghe thấy hai tiếng Trường Sa lại thấy cồn cào, da diết…
Nhà báo Hồng Thanh (áo hồng) đang tác nghiệp tại đảo Sinh Tồn. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Hồng Thanh xúc động nói: "Nhớ lắm Trường Sa ơi, nhớ từ khi chúng tôi hồi hộp đặt chân tới Quân cảng Cam Ranh và bước xuống Tàu 996. Nhớ lúc cả tàu vỡ òa niềm vui khi sau 2 đêm một ngày lênh đênh trên biển, vào lúc mờ sáng, đảo Song Tử Tây hiện ra trước mắt. Trường Sa đây rồi, máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc đây rồi. Ai cũng muốn được nhanh chóng xuống xuồng, vào đảo. Nhớ mãi cái cảm giác lắc lư trên tàu; nhớ sự chao đảo, nhấp nhô trên từng con sóng khi xuống xuồng vào đảo; nhớ những cây phong ba, bàng quả vuông vô cùng xanh tốt, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt trên các đảo; nhớ đàn bò thong dong thả bước, nhớ những con lợn thả rông ủn ỉn, đàn gà, đàn ngan đông đúc, nhớ những vạt rau xanh tốt thấm đẫm mồ hôi của những người lính đảo; nhớ tiếng trẻ bi bô, tiếng tụng kinh gõ mõ vang vọng giữa biển khơi…".
Nhưng sâu nặng, da diết hơn cả vẫn là nỗi nhớ về những người lính Trường Sa. Nhớ từ dáng đứng bồn chồn, vui mừng khôn xiết của người lính đảo khi đón đoàn từ đất liền ra thăm; nhớ những con người da sạm đen vì nắng gió, mưa sa Trường Sa nhưng rất quả cảm, hiên ngang giữa biển khơi; nhớ những tiếng hô “xin thề” tưởng chừng tới vỡ lồng ngực tại các lễ chào cờ trên đảo; nhớ vẻ tất bật, bận rộn khi đón khách trên đảo, nhường cho khách từng chậu nước sạch, từng đĩa rau xanh, nghe khách tấm tắc khen ngon là ánh mắt lấp lánh niềm vui; nhớ những góc nhỏ của những người lính biển vô cùng đơn sơ, bình dị, chỉ có một bức ảnh nhỏ của người yêu, của vợ con hoặc của mẹ nhưng lại tiếp cho các anh nguồn sức mạnh vô biên… Và vẻ thẫn thờ, lưu luyến khi phải chia xa cứ theo mãi bước chân của nhà báo và các thành viên trong đoàn.
Nỗi nhớ Trường Sa còn nhiều lắm trong nhà báo Hồng Thanh. Đó là khoảng lặng của mỗi người trong phút giây tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đó là những giọt nước mắt hòa cùng tiếng hát của các nữ văn công khi hát qua bộ đàm, qua loa cho cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1 vì không thể lên thăm các anh được do sóng to, gió lớn… Nhớ lắm Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Thị, Đá Nam, Cô Lin, Trường Sa lớn, Nhà giàn DK…, nhớ cả tàu HQ 996. Nơi nào cũng thấm đẫm kỷ niệm, không thể nào quên.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trung Đức tại đảo Đá Đông, Trường Sa, Khánh Hòa. Ảnh nhân vật cung cấp
Còn anh Phạm Trung Đức, một trong số nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia chuyến công tác tại Trường Sa gần đây chia sẻ: Đối với mỗi người dân Việt Nam được đến thăm huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI nói chung và đặc biệt là được tác nghiệp chụp ảnh ở Trường Sa luôn là niềm ao ước một lần trong đời. Hành trình đến với mỗi hòn đảo ở Trường Sa ai cũng đều có cảm xúc đặc biệt mà tác nghiệp ở đất liền không ai có.
Đến với Trường Sa là cơ hội để anh Phạm Trung Đức và các thành viên đoàn công tác được tiếp xúc với quân và dân Trường Sa, được phản ánh cuộc sống, tinh thần các chiến sĩ ở nơi đảo xa qua ống kính nhiếp ảnh. Mỗi một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh khi được thấy những hình ảnh như vậy đều hết sức xúc động. Trên đảo xa, giữa nơi nghìn trùng sóng vỗ nhưng mọi người vẫn đoàn kết, tạo nên không khí ấm cúng tình thân, dù còn nhiều khó khăn.
Để có được những bức ảnh tư liệu quý giá về Trường Sa, Nhà giàn DKI là cả một sự kỳ công, vất vả, khó khăn, song với tình yêu quê hương, yêu biển đảo, anh Đức cũng như mỗi một nhà báo khi đến với các đảo đều cố gắng ghi lại những tấm ảnh đẹp để mang về đất liền tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa về ý chí kiên cường, những hy sinh gian khổ của nhân dân và cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú phát biểu tại Trưng bày ảnh. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú cho biết ngày 10/6 vừa qua, Hội Nhà báo phối hợp với Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hải Phòng tổ chức khai mạc Trưng bày ảnh với chủ đề "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”. Gần 100 bức ảnh về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã được 6 nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hải Phòng (trong đó có nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Trung Đức) ghi lại trong các chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 tháng 4 và 5/2023.
Những tác phẩm ảnh sinh động đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về biển đảo quê hương, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời là một món quà tri ân công lao to lớn của các thế hệ chiến sĩ, những người Bộ đội Cụ Hồ đã, đang tham gia xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Bùi Thị Đằng (áo đỏ) đang chia sẻ về hình ảnh của con trai, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN
Có mặt tại cuộc trưng bày, vợ chồng ông Vũ Ngọc Minh và bà Bùi Thị Đằng (ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) vô cùng xúc động khi thấy ảnh con trai là anh Vũ Ngọc Sang (sinh năm 1993), hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại và giới thiệu đến công chúng. Tự hào khi nhắc đến con trai, bà Đằng tâm sự, cả gia đình ở hậu phương đang ngày đêm làm điểm tựa vững chãi cho con trai của mình. Những tình cảm, những yêu thương đó thay cho lời động viên, khích lệ người chiến sĩ Hải quân luôn rèn luyện ý chí chiến đấu kiên cường và bền bỉ, hoàn thành trách nhiệm được giao.
"Đến với Trường Sa không chỉ có tình yêu, mà còn là trách nhiệm lớn của đất liền, của những người làm báo thành phố Cảng hướng về "cột mốc thép" giữa trùng khơi... Đến với Trường Sa để cảm nhận sức mạnh mạch nguồn của dân tộc, để thêm yêu Tổ quốc", Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú nhấn mạnh.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Nhà máy X52: Khánh thành và bàn giao nhà đồng đội tại Khánh Hoà - ( 26-11-24 07:00 )
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Cục Kiểm ngư làm việc với Quân chủng Hải quân - ( 26-11-24 03:00 )
- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân: Sinh hoạt đối thoại dân chủ Quý IV năm 2024 - ( 26-11-24 02:00 )
- Tiểu đoàn 45: Khánh thành nhà đồng đội tặng quân nhân - ( 26-11-24 02:00 )