8 sự kiện nổi bật của Quốc hội trong năm 2019

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2020) và nhân dịp đầu năm mới 2020, Văn phòng Quốc hội vừa điểm lại 8 sự kiện nổi bật của Quốc hội trong năm 2019-năm thứ tư của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Xin giới thiệu tới quý bạn đọc 8 sự kiện này.

1. Nhiều đạo luật quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được Quốc hội xem xét, thông qua

Năm 2019, Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật, bộ luật với tỷ lệ đại biểu tán thành cao, trong đó có dự án luật đạt tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành. Các dự án luật, bộ luật được thông qua là cơ sở pháp lý rất quan trọng để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; góp phần phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) nhanh chóng và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chế độ công chức, công vụ, phòng, chống tham nhũng.

2. Tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát

Trong năm 2019, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn theo phương thức “Hỏi nhanh-Đáp gọn”. Có nhiều ĐBQH tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng. Tại Kỳ họp thứ bảy có gần 230 lượt, tại Kỳ họp thứ tám có gần 250 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận. Không khí cởi mở, dân chủ, đổi mới và tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong hoạt động chất vấn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước.

Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn lại của Quốc hội ở Kỳ họp thứ sáu, trong năm 2019, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, kết luận của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành. Việc làm này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát.

Đây cũng là năm đầu tiên video, hình ảnh chuyên đề được sử dụng để báo cáo kết quả giám sát; lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm chuyển giọng nói sang dạng văn bản trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn.

3. Ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là lần đầu tiên trong 14 nhiệm kỳ của Quốc hội có một nghị quyết về các chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp trở thành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

4. Đẩy mạnh việc thể chế hóa chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Quốc hội, UBTVQH đã ban hành nhiều quyết định quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong đó có những nội dung nổi bật như tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; UBTVQH thông qua Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định về nguyên tắc và cách thức sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và từng bước xem xét, thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cụ thể thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

5. Tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA-41

Ngày 29-8-2019, tại Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Quốc hội Việt Nam nhận chiếc búa danh dự của Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) để đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA-41 nhiệm kỳ 2019-2020. Sự kiện này là một trong những dấu mốc quan trọng chuẩn bị cho năm 2020-một năm rất đặc biệt đối với nước ta khi đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chủ tịch AIPA.

6. Ban hành nghị quyết việc quản lý và phát triển đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Nghị quyết này hình thành khung pháp lý vững chắc cho việc quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, thể hiện ý chí, quyết tâm hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai bên.

7. Kỷ niệm trọng thể 130 năm ngày sinh các vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 / 5-6-2019) và Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19-9-1889 / 19-9-2019). Phát biểu tại các buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu bật những công lao, cống hiến to lớn của các vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đối với cách mạng Việt Nam. Các hoạt động trong dịp lễ kỷ niệm này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền nhân; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

8. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động của Quốc hội

Năm 2019 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động của Quốc hội. Bắt đầu từ Kỳ họp thứ bảy, phần mềm hỗ trợ hoạt động của ĐBQH trên các thiết bị thông minh (máy tính bảng, điện thoại di động...) lần đầu tiên được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh, như: Cung cấp đầy đủ các tài liệu kỳ họp; tìm kiếm nhanh nhiều tài liệu bằng giọng nói, tính năng đọc văn bản giấy, trao đổi, tương tác trực tuyến; theo dõi những chủ đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội... Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận dạng giọng nói đã giúp cho việc điều hành các phiên họp trở nên hiệu quả, thông suốt, phục vụ nhanh chóng việc gỡ băng ghi âm các nội dung thảo luận của Quốc hội. Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong năm 2019, Quốc hội lần đầu tiên tổ chức thành công kỳ họp không giấy tờ, góp phần nâng cao tính hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội, nhận được sự đánh giá cao của ĐBQH và dư luận cử tri.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn