10 sự kiện tiêu biểu của Việt Nam năm 2020

(Bình chọn của Báo Quân đội nhân dân)

1.Đại hội đảng các cấp thành công tiến tới Đại hội XIII của Đảng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Ảnh: PHÚ SƠN 

Năm 2020, 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Ngày 19-11-2020, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2.Việt Nam khống chế thành công đại dịch Covid-19

Ngày 23-1-2020, Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong lúc thông tin về virus và căn bệnh này hoàn toàn mới mẻ. Với kinh nghiệm từ thời chống dịch SARS, ngành y tế và cả nước đưa ra chiến lược ngăn chặn, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Học viện Quân y tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 Nano Covax trên người. Ảnh: THU HƯƠNG 

Đến nay, Việt Nam trở thành điểm sáng trên thế giới về việc khống chế thành công đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Ngày 17-12, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vaccine Covid-19 Nano Covax đầu tiên cho những người tình nguyện. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam, hứa hẹn một "vũ khí" chống dịch an toàn và hiệu quả.

3.Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới

Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, đây được đánh giá là thành công lớn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Ảnh: VŨ DUNG 

Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay; giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2020; đạt được nhiều thành tựu trong hội nhập kinh tế quốc tế...

4.Việt Nam đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận thành công trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41). Qua đó đã đóng góp tích cực, chủ động trong việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan. Ảnh: QUANG HIẾU 

Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm do Việt Nam chủ trì đề xuất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cá nhân nhiệt liệt hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết này. Trong năm 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan; tổ chức thành công Đại hội AIPA 41.

5.Nỗ lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung

Quân đội tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Quảng Nam. Ảnh: VĂN CHUNG 

Năm 2020, Việt Nam hứng chịu nhiều đợt thiên tai khốc liệt, bất thường trên khắp các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung. Cả nước đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long... Các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng quân đội đã nỗ lực tham gia cứu hộ-cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, nhiều tấm gương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

6.Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm

Năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý nghiêm minh.

Trong đó, một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử như vụ án sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, các vụ vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, tài sản Nhà nước tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Ngày 12-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

7.Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp qua hình thức trực tuyến

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV theo hình thức trực tuyến. Ảnh: VĂN QUỐC 

Năm 2020 đánh dấu mốc đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Quốc hội khi cả hai kỳ họp trong năm đều được tiến hành làm hai đợt, một đợt họp trực tuyến và một đợt họp tập trung. Quốc hội Việt Nam trở thành một trong những nghị viện đầu tiên trên thế giới triển khai họp trực tuyến. Trước đó, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chuyển sang họp theo hình thức trực tuyến. Việc Quốc hội tiên phong thực hiện họp trực tuyến không chỉ góp phần tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 mà còn là tiền đề để đổi mới phương thức làm việc trong thời đại 4.0 của Quốc hội nói riêng và các cơ quan, tổ chức khác nói chung.

8.Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia và đạt thành tích cao tại Army Games 2020

Tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2020, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thi đấu tích cực, sáng tạo, giành kết quả cao, nhiều nội dung vượt chỉ tiêu đề ra.

Đội tuyển Xe tăng Việt Nam thi đấu tại Army Games 2020. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trong đó, đội tuyển Xe tăng thi đấu xuất sắc, giành huy chương vàng ở bảng 2, nội dung "Xe tăng hành tiến"; đội tuyển Thông tin liên lạc gây ấn tượng mạnh, giành huy chương đồng Cuộc thi "Kỹ năng thuần thục"; đội tuyển Công binh và đội tuyển Cứu hộ, cứu nạn bảo vệ thành công tấm huy chương đồng; đội tuyển Bắn tỉa lần đầu tiên lọt vào nhóm A1 (nhóm các đội mạnh nhất giải); các đội tuyển: Huấn luyện chó nghiệp vụ, Bếp dã chiến, Quân y, Pháo binh, Hóa học, Phòng không đã thi đấu với nỗ lực cao nhất và đạt những thành tích đáng khích lệ. Cùng với những trận tranh tài kịch tính trên thao trường, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật.

9.Đột phá trong chuyển đổi số quốc gia, "Make in Việt Nam", ra mắt mạng 5G

Năm 2020 là năm Việt Nam khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, tiến tới xây dựng một Việt Nam số. Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", chính thức khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện.

Bấm nút khai trương kinh doanh thử nghiệm mạng 5G của Viettel. Ảnh: TRÀ MY 

Việt Nam coi các nền tảng số "Make in Vietnam" là cách để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, coi an ninh mạng và công nghệ mở là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho chuyển đổi số. Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hiện thực và cụ thể hóa hơn nữa thông điệp “Make in Vietnam”. Các doanh nghiệp viễn thông như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kinh doanh thử nghiệm mạng 5G, đưa Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G.

10.Việt Nam có thêm một công viên địa chất toàn cầu

Ngày 7-7-2020, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris, Pháp, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên địa chất Đắc Nông là Công viên địa chất toàn cầu. 

Công viên địa chất Đắc Nông. Ảnh: UNESCO 

Với sự công nhận này, Công viên địa chất Đắc Nông trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam. Công viên địa chất Đắc Nông được UBND tỉnh Đắc Nông thành lập ngày 31-12-2015, có diện tích 4.760km2. Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất. Công viên địa chất Đắc Nông thuộc loại hiếm trên thế giới với những dòng thạch nhũ dung nham còn hiện rõ.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn