Thứ hai, 30/11/-0001 12:11:00

Quá trình hình thành lực lượng và sự ra đời của Cục Phòng thủ bờ bể

HQVN

Cách mạng tháng Tám vừa giành được thắng lợi, nhân dân ta lại đứng trước khó khăn chồng chất và những thử thách ngặt nghèo, nhất là nguy cơ thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa và hành động các thế lực thù địch đang lăm le bóp chết cách mạng Việt Nam. Trước khó khăn của cách mạng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có lực lượng hải quân. Trên cơ sở những đơn vị du kích và tự vệ chiến đấu phát triển rộng khắp, Đảng ta tuyển chọn những chiến sĩ có giác ngộ, có tinh thần chiến đấu bổ sung vào các đơn vị vũ trang tập trung.

Để bảo vệ chủ quyền vùng biển của nước ta, các tổ chức dân quân ở các làng xóm, thôn xã ven biển được khẩn trương xây dựng. Nhiều chi đội Vệ quốc quân được điều về chốt giữ trên những địa bàn xung yếu. Một số tổ chức Hải quân do các địa phương thành lập cũng ra đời. Tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh khu Duyên Hải tổ chức Ủy ban Hải quân Việt Nam, quân số gần 200 người. Tiêu biểu là đại đội Ký Con thành lập năm 1945 với phương tiện hoạt động gồm một tàu nhỏ và 3 ca nô với cách đánh du kích, đã lập nên nhiều chiến công. Tàu được đặt tên là Bạch Đằng cùng các tàu và ca nô của Ủy ban Hải quân Việt Nam có nhiệm vụ hoạt động ở cửa biển Hải Phòng và vùng ven biển Đông Bắc.
Ở Đà Nẵng, có tổ chức thủy quân miền Nam Trung Bộ, lực lượng gồm khoảng 400 người. Ngoài ra, một số địa phương khác như Cửa Lò, Nha Trang, Sài Gòn,… các lực lượng vũ trang trên biển cũng được thành lập. Những đơn vị này, nơi gọi “Thủy quân”, nơi gọi “Hải quân”. Mặc dầu tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức vũ trang đó đều đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương và sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh các khu.

Trong năm đầu của chính quyền nhân dân, các tổ chức thủy quân vừa tiến hành xây dựng lực lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất, vừa cùng các lực lượng vũ trang nhân dân ta đẩy mạnh các hoạt động chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền vùng sông biển của Tổ quốc.
Thực hiện âm mưu trở lại xâm lược nước ta, bọn thực dân Pháp cho bọn tàn quân từ Trung Quốc lén lút chiếm một số hòn đảo và dùng tàu khiêu khích ta ở vùng biển Đông Bắc. Đầu tháng 9 năm 1945, chúng cho chiếc tàu Cray-xắc (Crayssac) đến vùng biển Hòn Gai tiến hành các hoạt động khiêu khích và móc nối với bọn phản động trong đất liền. Quyết tâm bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, đại đội Ký Con được lệnh dùng hai tàu Bạch Đằng, Giao Chỉ và một ca nô cùng một trung đội tiến ra vây bắt tàu địch. Các thuyền đánh cá của nhân dân đang hoạt động trên biển cũng lao đến hỗ trợ. Bọn giặc có nhiều vũ khí trang bị nhưng trước áp lực của quân dân ta, chúng hoang mang, lúng túng buộc phải đầu hàng. Ta bắt hơn 10 tên, cả chỉ huy và thủy thủ Pháp, giải thoát một số thủy thủ người Việt. Số thủy thủ này tình nguyện theo quân cách mạng, được biên chế vào đơn vị tàu của ta. Đại đội Ký Con thu tàu Cray-xắc, 1 khẩu pháo 37mm, 2 trọng liên, 2 đại liên, 1 ba-dô-ca, 2 các-bin, một số súng trường và trang bị kỹ thuật. Ngày 8 tháng 9 năm 1945, đồng chí Nguyễn Bình, Khu trưởng Chiến khu 3 đến thăm, biểu dương cán bộ, chiến sĩ đại đội Ký Con. Đồng chí ra lệnh gỡ chữ Cray-xắc và gắn chữ Ký Con bằng đồng vào mũi tàu. Từ đây, tày Ký Con được biên chế trong lực lượng vũ trang Chiến khu 3.
Ngày 11 tháng 9 năm 1945, địch huy động tàu Ô-đát-xi-ơ (Audacieuse) đến vùng biển Hòn Gai trinh sát tìm kiếm tàu Cray-xắc. Ta dùng ngay tàu Ký Con (tức tàu Cray-xắc) vừa chiếm được đánh đuổi và chiếm tàu Ô-đát-xi-ơ, bắt 8 sĩ quan và thủy thủ Pháp đầu hàng, thu 1 đại liên, 1 ba-dô-ca cùng một số vũ khí trang bị khác. Ngày 12 tháng 9, ta giao tàu Ô-đát-xi-ơ cho một đơn vị vận tải thuộc Chiến khu 3 và tổ chức tàu Ký Con cùng một số ca nô thành một thủy đội làm nhiệm vụ tuần tiễu vùng ven biển từ Hòn Gai đến Hải Phòng.
Phát huy thắng lợi, Bộ Tư lệnh khu Duyên Hải quyết định đánh vào hai đảo Cô Tô và Vạn Hoa, nơi quân Pháp từ Bắc Hải (Trung Quốc) về chiếm đóng trái phép sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, nhằm phá tan căn cứ của chúng. Đêm ngày 10 tháng 11 năm 1945, ta tiến đánh Vạn Hoa và đêm ngày 13 tháng 11, đánh đảo Cô Tô. Cô Tô là một đảo lớn dài 12km, rộng 2,5km nằm ở vùng biển Đông Bắc. Tàn quân thủy binh Pháp có 3 tàu và 1 trung đội chiếm đóng trái phép đảo Cô Tô. Đêm ngày 13 tháng 11, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đại đội Ký Con chia làm hai bộ phận đổ bộ lên đảo. Lực lượng ta tuy ít nhưng chiến đấu rất dũng cảm.
Để tăng cường khả năng phòng thủ ở phía cửa biển Hải Phòng, ta tiến hành khôi phục lại trận địa pháo binh trên đảo Cát Bà, do Pháp xây dựng từ năm 1939. Trận địa này có 3 khẩu pháo 138mm, trong đó kính ngắm, kim hỏa và bộ máy cò đã bị địch tháo gỡ, phá hủy. Anh em đã tự chế tạo bằng phương pháp thủ công, khôi phục lại các chi tiết máy móc và sau này nhiều lần sử dụng chiến đấu trừng trị các tàu của giặc Pháp xâm phạm vùng biển của ta; có tàu bị đánh đuổi, có tàu trúng đạn bị thương như các tàu Công Tum, Tờ-ri-ông-phăng, Ê-min Béc-tanh… Các tàu và ca nô của Ủy ban Hải quân Việt Nam thuộc Bộ Tư lệnh Duyên Hải còn thường xuyên đi tuần tiễu, trấn áp bọn phản động phá hoại, bắt giữ nhiều thuyền của bọn cướp biển, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân từ Bắc chí Nam, từ Trung ương đến các địa phương đang khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng đánh tàn quân Pháp xâm nhập, trấn áp bọn phản động tay sai của Mỹ- Tưởng phá hoại ở miền Bắc, bảo vệ chính quyền cách mạng, thì đêm ngày 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp được sự đồng lõa của quân Anh bất ngờ nổ súng đánh chiếm một số công sở của ta ở thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam một lần nữa. Từ ngày 23 tháng 11 năm 1945 đến tháng 2 năm 1946, sau khi đánh vùng nông thôn Nam Bộ, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Lợi dụng các sông rạch, thủy quân Pháp hành quân đánh chiếm những vị trí quan trọng ở khắp các tỉnh Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Mặc dù có ưu thế về phương tiện và hỏa lực, thủy quân Pháp vẫn liên tiếp bị quân dân miền Nam chặn đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Đêm 15 tháng 10 năm 1945, ta đốt cháy tàu A-lác ở cảng Sài Gòn. Ngày 26 tháng 10, quân dân Nha Trang bắn hỏng một tàu khi chúng vào gần bờ biển thành phố. Tại Gò Công, ngày 28 tháng 10, địch cho tàu Ri-sơ-li-ơ chở quân đánh chiếm thị xã, bị ta đánh trả mãnh liệt và chịu một số thiệt hại. Ngày 20 tháng 1 năm 1946, quân Pháp đổ bộ lên Hà Tiên bị bộ đội ta tiêu diệt gần chục tên, trông đó có tên chỉ huy trúng đạn ngã gục xuống sông. Những hoạt động chiến đấu của quân dân ta trên sông biển cùng với cuộc chiến đấu kiên cường trên đất liền những tháng cuối năm 1945 đã gây cho thực dân Pháp một số thiệt hại, tạo điều kiện cho quân dân cả nước chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra quy mô toàn quốc.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL về Quân đội quốc gia Việt Nam, quy định tổ chức, biên chế thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh, các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Tiếp đó, ngày 19 tháng 7 năm 1946, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ra Quyết định số 125/QĐ thành lập trong Quân đội quốc gia ngành Hải quân Việt Nam, đặt dưới quyền Bộ Quốc phòng về phương diện quản trị và Quân sự ủy viên hội về phương diện điều khiển.
Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước, ngày 10 tháng 9 năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội ra Nghị định số 103/NĐ thành lập “Cơ quan Hải quân” (hiện nay gọi là Hải đoàn bộ), do một Hải đoàn trưởng điều khiển trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ của Hải đoàn bộ là tổ chức thủy đội tuần liễu và phỏng thủ duyên hải, tập trung các nhân viên, bộ đội thủy quân đã có trong Quân đội Việt Nam và tuyển lựa cựu thủy binh để thành lập ngay một tổ chức Hải quân. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về tổ chức lực lượng Hải quân trong Quân đội quốc gia Việt Nam. Nhưng do tình hình lúc đó, nhất là phải tập trung cho toàn quốc bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các quyết định đó chưa có điều kiện thực hiện. Song đây là cơ sở để sau này xây dựng một tổ chức Hải quân nhân dân Việt Nam phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng với các cánh quân trên bộ, thực dân Pháp lợi dụng các dòng sông, cửa biển, đưa tàu và ca nô chở quân, đánh phá quyết liệt các thành phố, những vị trí quân sự quan trọng của ta.
Quân và dân các vùng ven biển, ven sông quyết tâm cùng cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở Hải Phòng, lực lượng bảo vệ bờ biển đã chiến đấu quyết liệt chặn bước tiến của bọn xâm lược, đánh chìm, đánh hư hỏng một số tàu và ca nô giặc khi chúng đổ quân vào Đồ Sơn, sông Cấm. Tại cửa Ba Lạt, quân dân vùng Nam Định, Thái Bình đưa hàng trăm thuyền lớn chất đầy đá hộc ra đánh đắm ở cửa sông tạo thành chướng ngại vật không cho tàu giặc từ biển tiến vào. Ở Quảng Bình, ngày 27 tháng 3 năm 1947, lực lượng Vệ quốc đoàn đánh vào ca nô chở quân của địch, diệt hơn chục tên tại cửa Nhật Lệ. Ở Thừa Thiên, ngày 8 tháng 4 năm 1947, một xuồng của Pháp bị đánh chìm trên đoạn sông từ Phò Trạch lên Đất Đỏ. Tại Nam Bộ, bộ đội đã tự chế thủy lôi đánh chìm một sà lan lớn của địch ở Phương Diều (Bạc Liêu). Trong trận này, ta thu được ba thuyền đạn và hàng chục khẩu súng các loại.
Ngày 25 tháng 11 năm 1947, một đoàn tàu chiến Pháp gồm 5 chiếc từ Tuyên Quang xuống đến ngã ba đầu nguồn sông Lô, đoạn xã Chi Đám, lọt vào trận địa phục kích của trung đội pháo Xuân Canh (trung đội ở pháo đài Xuân Canh – Láng, Hà Nội rút lên) và trung đội pháo lục tỉnh (pháo được lắp ghép từ nhiều bộ phận ta thu được ở sáu tỉnh, nên gọi là pháo lục tỉnh). Rút kinh nghiệm trận đánh trước đặt phá xa bắn không trúng, lần này, ta đưa pháo ra sát bờ sông, bắn ngắm trực tiếp, bắn chìm tại chỗ 2 tàu, diệt hàng trăm tên địch, bắn hỏng nặng 2 chiếc khác. Trong các trận đánh trên dòng sông Lô, ta đã đánh chìm, đánh hỏng 16 tàu và 32 ca nô địch, bẽ gãy gọng kìm đường thủy của giặc Pháp tiến lên Việt Bắc. Âm mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của thực dân Pháp bị thất bại. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta chuyển sang giai đoạn mới.
Ở Nam Bộ, sau trận Mương Điều, nhiều địa phương đã huy động nhân dân dựng kè, đắp cản trên kênh rạch chặn tàu thuyền giặc. Vùng Cà Mau, kè, cản được xây dựng gần một trăm chiếc, có chiếc như một đập lớn, bề mặt rộng đến 120m. Hệ thống vật chường ngại vững chắc này là bức tường thành ngăn cản, hạn chế các cuộc tiến công của quân Pháp vào căn cứ kháng chiến của ta. Cách đánh địch trên sông biển bằng hình thức đặc công bắt đầu xuất hiện sớm trong lực lượng vũ trang ta. Cuối năm 1948, các chiến sĩ xưởng quân giới Trung đoàn 312 đã cải tiến một quả thủy lôi không nổ của quân Pháp thành một quả thủy lôi mới nặng 80kg đánh theo kiểu chạm nổ. Chiến sĩ Võ Văn Hợp, biệt động Sài Gòn đã dùng quả thủy lôi này đánh chìm chiếc tàu chở đạn Xe-luýt-blơ của Pháp trên sông Sài Gòn, thiêu hủy 400 tấn đạn. Ở Long Châu Sa, ngày 21 tháng 4 năm 1949, đội săn tàu của tỉnh đã dùng thủy lôi tự tạo đánh chìm Gluy-xin (số D27) trên sông Sở Thượng, diệt hàng trăm tên địch. Sau đó hai tháng, ngày 20 tháng 6 năm 1949, đơn vị lại đánh chìm tàu Gly-xin (số D28) ở Cái Lách.
Trong quá trình kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta vừa bám sông, bám biển diệt địch, vừa lợi dụng sông nước để tổ chức vận tải phục vụ kháng chiến. Trên các sông suối, kênh rạch, các loại bè mảng, ghe thuyền được huy động chở quân, vận chuyển vũ khí, lương thực. Dọc tuyến vận tải ven biển, những đơn vị chuyên làm nhiệm vụ vận tải được tổ chức. Đặc biệt, đội vận tải đường biển của Liên khu 5 đã có những đóng góp to lớn cho kháng chiến.
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, Đảng ta tập trung bổ sung quân số, củng cố, chấn chỉnh tổ chức, biên chế các cơ quan và đơn vị quân đội. Theo phương hướng đó, ngày 8 tháng 3 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra Nghị định (số 604/QĐ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký), thành lập Ban nghiên cứu thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Tại buổi lễ công bố quyết định thành lập, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng giao nhiệm vụ và căn dặn: “Nhìn về tương lai rộng mở, để xây dựng quân đội tiến lên, đất nước ta với bờ biển dài ba ngàn cây số, nhất định phải có một lực lượng Hải quân hùng mạnh, xứng đáng với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc đã từng có những lực lượng thủy quân lập nên chiến công hiển hách, lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, Lục Đầu Giang… Chính vì mục tiêu đó, căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay, Bộ quyết định trước mắt thành lập Ban nghiên cứu thủy quân (đồng thời với Ban nghiên cứu không quân) để:
Nghiên cứu những phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân, phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai gần.
Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viện Hải quân cũ, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu. Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thủy quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải”. Tiếp đó, đồng chí Tổng tham mưu trưởng nêu rõ: “Ban nghiên cứu thủy quân bước đầu còn non bé, nhưng tiền đồ sẽ vẻ vang. Chắc một ngày không xa sẽ trưởng thành thành Quân chủng Hải quân”.
Về tổ chức, Ban nghiên cứu thủy quân gồm có ba ban chuyên môn là hàng hải, thông tin hàng hải, điện cơ máy nổ và các bộ phận hành chính, quản trị, hậu cần. Đồng chí Nguyễn Văn Khương được cử làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Việt làm chính trị viên và đồng chí Trần Đình Vọng làm phó ban. Cơ quan Ban nghiên cứu thủy quân đóng tại phố Giàn, bên bờ sông Chảy thuộc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.
Bộ Quốc Phòng rất chú trọng xây dựng lực lượng thủy quân. Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho Ban nghiên cứu thủy quân là huấn luyện xây dựng một đội du kích có khả năng hoạt động trên sông, rồi từ sông mới tiến ra biển khi có điều kiện. Đó cũng chính là ý nghĩa Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ Tổng Tham mưu khi nghe báo cáo và đề nghị thành lập Ban nghiên cứu thủy quân và mở lớp thủy quân (thủy quân chứ chưa phải là Hải quân).
Sau hơn mười tháng chuẩn bị, tháng 2 năm 1950, khóa học thủy quân đầu tiên được khai giảng. Tham gia khóa học này có 180 học viên được tuyển chọn từ các đơn vị bộ binh, dân quan du kích vùng ven biển Đông Bắc, một số là học sinh các trường trung học ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, tổ chức thành một tiểu đoàn huấn luyện, do đồng chí Trần Lưu Thông làm tiểu đoàn trưởng. Cán bộ đại đội, trung đội từng học ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, nên việc huấn luyện các học viên thủy quân có nhiều thuận lợi về rèn luyện đội ngũ, lễ tiết tác phong, công tác, sinh hoạt. Phụ trách chung cả ban và lớp học là các đồng chí Nguyễn Văn Khương, Trần Đình Vọng (từng hoạt động trong ngành hàng hải Pháp) và đồng chí Nguyễn Việt. Trên thực tế, Ban nghiên cứu thủy quân ở chức năng “hiệu bộ” của lớp. Cả ban và lớp mang phiên hiệu chung là Đội sản xuất 71. Đội thủy binh 71 thành lập ngày 10 tháng 8 năm 1950 dưới sự chỉ đạo của Ban nghiên cứu thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu đóng quân tại làng Cò, gần phố Giàn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Vùng Đoan Hùng được chọn làm căn cứ để huấn luyện và xây dựng đội. Đội ngũ giáo viên khoảng 10 người vốn là lính thủy thời Pháp, được chia thành ba tổ bộ môn, hàng hải, thông tin và điện cơ – máy nổ. Học cụ là một số mô hình các loại tàu chiến của Pháp, do giáo viên đóng bằng gỗ. Phương tiện huấn luyện cũng tự tao như cờ, đèn… Một số học cụ không có (la bàn đi biển, các phương tiện thông tin hàng hải…), giáo viên phải dạy “chạy”.
Chương trình huấn luyện gồm quân sự, chính trị, chuyên môn, trong đó tập trung huấn luyện một số nội dung kỹ thuật, chiến thuật của bộ binh chiến đấu trong môi trường sông biển như bắn súng trên tàu thuyền, trên ca nô, tập bơi, lặn, tập chèo thuyền, chèo xuồng, tập động tác đổ bộ (từ bờ lên thuyền và từ thuyền nhảy xuống tiếp cận bờ triển khai đội hình chiến đấu), tập sử dụng hải đồ, xác định vị trí tàu trên biển bằng phương pháp quan sát, đo đạc các mục tiêu địa văn và theo kinh nghiệm của nhân dân (nhìn trăng, sao, xem thủy triều, hướng gió…), học cách sử dụng các phương tiện thông tin đơn giản (cờ, đèn…).
Sau ba tháng huấn luyện, ban chỉ huy đang chuẩn bị chiêu sinh và bổ sung nội dung để mở lớp cán hộ hàng hải - lái tàu, thì nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: chọn khoảng 100 học viên đưa sang Trung Quốc học tập nâng cao trình độ. Bộ phận khung ở lại tiếp tục chiêu sinh, mở khóa II.
Đầu tháng 6 năm 1950, gần 100 học viên của Đội 71, dưới sự chỉ huy của một ban phụ trách mới (gồm các đồng chí Lê Ngọc Quang, Trắc Vi Nam, Nguyễn Việt) nhận nhiệm vụ sang Nào Cháu (Điều Thuận), một hòn đảo nằm ở phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) học tập. Nội dung học tập chủ yêu theo chương trình huấn luyện phân đội bộ binh của bạn. So với khóa học trong nước, có những điểm mới về nội dung, phương pháp huấn luyện và đặc biệt là môi trường biển - hải đảo. Một nội dung quan trọng nữa là được nghe giới thiệu về kinh nghiệm Giải phóng quân (Trung Quốc) dùng thuyền buồn gắn máy hành quân trên biển, đổ bộ giải phóng đảo Hải Nam.
Sau khi Đội 71 thủy binh lên đường sang Trung Quốc, tháng 6 năm 1950, khóa II đào tạo thủy quân gồm khoảng 100 học viên được khai giảng. Thành phần học viên chủ yếu của khóa này là học sinh trung học mới nhập ngũ. Về lãnh đạo, bên cạnh một ban chỉ huy còn có một ban cán sự Đảng được chỉ thị gồm các đồng cíh Trần Lưu Phương, Nguyễn Khổng Hiệu, Trần Trọng Trung. Về quân sự và chuyên môn, nội dung huấn luyện cơ bản như khóa trước. Về chính trị, học viên học tập quán triệt hai tài liệu cơ bản: Chiến tranh nhân dân và Quân đội nhân dân. Đến giữa tháng 4 năm 1951, khóa II vừa kết thúc được ít ngày, thì toàn bộ học viên của Đội 71 hoàn thành nhiệm vụ học tập ở nước ngoài trở về nước đóng căn cứ ở làng Cò thuộc huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).
Thực hiện quyết định của Bộ, tháng 4 năm 1951 Đội thủy binh 71 giải thể, phần lớn học viên khóa I và một số học viên khóa II được chuyển ra các vùng Hòn Gai, Hải Ninh, Quảng Yên, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các địa bàn ven biển. Một bộ phận học viên chuyển về Đại đoàn công – pháo 351 và các đại đoàn bộ binh đang trong quá trình xây dựng. Bộ phận lực lượng còn lại về nhận công tác ở các liên khu, Bộ Tổng tư lệnh, hoặc đi học ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.
Việc thành lập Ban nghiên cứu thủy quân và Đội thủy binh 71 từ năm 1949 chứng tỏ Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã có ý định xây dựng thủy quân từ sớm. Song vấn đề xây dựng và duy trì tất cả lực lượng thủy quân hoạt động trên chiến trường sông biển đòi hỏi phải có đầu tư rất lớn về nhiều mặt trong khi đó nền kinh tế kháng chiến của ta còn rất nghèo nàn, thiếu thốn và lạc hậu. Vì thế, chủ trương đề ra, nhưng ta chưa đủ điều kiện để đảm bảo xây dựng, phát triển lực lượng thủy quân.
Thành lập Cục Phòng thủ bờ bể và lực lượng phòng thủ bờ biển
Đầu tháng 8 năm 1954, trên đường từ căn cứ kháng chiến ở Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng điều động 7 đồng chí trước đây ở Ban nghiên cứu thủy quân và Đội thủy binh 71 (còn gọi là Trường Huấn luyện thủy binh) đang công tác ở một số đơn vị trên các chiến trường về Cục tác chiến và tháng 1 năm 1955 điều bổ sung 4 đồng chí nữa. Đồng chí Nguyễn Bá Phát, nguyên Tham nưu trưởng Liên khu 5 được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh giao lưu trực tiếp phụ trách bộ phận nghiên cứu lực lượng bảo vệ vùng biển. Số cán bộ điều động về Cục tác chiến được tổ chức thành ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất được phân công thăm dò cơ sở đóng thuyền, ca nô, tham khảo hình dáng, kích thước và quy cách thiết kế các loại phương tiện hoạt động trên sông biển. Sau khi phát hiện cơ sở đóng thuyền, ca nô ở Tiên Yên và Quảng Yên, một số đồng chí được cử đi đặt đóng và nghiên cứu để sau này tổ chức lực lượng tự sản xuất phương tiện tàu, thuyền. Bộ phận thứ hai được giao nhiệm vụ nghiên cứu địa hình và tình hình mọi mặt trên vùng ven biển miền Bắc từ Móng Cái đến Cửa Tùng (trừ khu vực Hải Phòng, Cát Bà, lúc này quân đội Pháp còn đang đóng quân theo quy chế khu 300 ngày của Hiệp định Giơ-ne-vơ). Vừa nghiên cứu thực địa kết hợp với hải đồ của Hải quân Pháp để lại, bộ phận này bước đầu xác định kế hoạch bố trí lực lượng để trước mắt theo dõi được tình hình vùng biển và xử lý kịp thời những tình huống do bọn phản động cưỡng ép đồng bào ta di cư, bọn gián điệp và biệt kích phá hoại gây ra. Sau đó, cùng với các liên khu nghiên cứu những địa điểm để đặt đài quan sát, xây dựng các trận địa pháo, phối hợp mọi lực lượng cùng bảo vệ bờ biển. Bộ phận thứ ba đảm nhiệm làm đề án về tổ chức, kế hoạch xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển.
Căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước ta và tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn, bộ phận nghiên cứu đã từng bước xây dựng hoàn chỉnh đề án về xây dựng bộ đội phòng thủ bờ biển; dự thảo tổ chức biên chế cơ quan, trường, xưởng và các đơn vị phòng thủ bờ biển; chọn lựa, điều động các cán bộ có khả năng nghiệp vụ về hàng hải, cơ điện; dự kiến tìm và thu hồi máy móc dụng cụ ở các tàu địch bị quân ta đánh chìm trong kháng chiến; lập kế hoạch đóng thuyền, ca nô, thuê thuyền, tuyển thêm công nhân để thành lập xưởng; cử người dịch và biên soạn tài liệu chuẩn bị cho việc mở trường huấn luyện bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biền, hải đảo miền Bắc.
Trong hai ngày 13 và 14 tháng 4 năm 1955, Tổng Quân ủy họp thông qua ba đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển gồm: Đề án tổ chức biên chế cơ quan, trường huấn luyện thủy quân, xưởng đóng mới, sửa chữa ca nô và kế hoạch chọn lựa, điều động cán bộ, chiến sĩ từng là thủy quân Sông Lô, đang hoạt động trên các chiến trường sông biển của cả nước về xây dựng thủy quân. Đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển gồm các đài, trạm quan sát, các khu tuần phòng và các trận địa pháo bờ biển. Đề án xây dựng lực lượng tàu thuyền hoạt động ở ven biển gồm: tập trung phương tiện thủy của các đơn vị, địa phương; tìm và trục vớt các tàu địch bị ta đánh chìm để khôi phục sửa chữa, chuẩn bị đóng mới một số ca nô vỏ gỗ gắn máy.
Trước mắt, hội nghị Tổng Quân ủy quyết định một số vấn đề cấp thiết về xây dựng, thực hiện từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1955 là: xây dựng một lực lượng gọi là bộ đội phòng thủ bờ biển, có nhiệm vụ quan sát, theo dõi thuyền bè, tàu thủy, phi cơ… đi lại trên biển, trên không, kiểm soát, chỉ dẫn luồng lạch cho tàu thuyền qua lại, tiêu diệt những toán địch nhỏ lẻ (thổ phỉ, biệt kích), nếu địch mạnh thì tiêu hao, làm chậm bước tiến của chúng hoặc bao vây chờ viện binh đến tiêu diệt.
Căn cứ vào nhiệm vụ, đặc điểm bờ biển, vị trí vai trò quan trọng của từng đoạn và khả năng phương tiện đảm bảo của ta, Tổng Quân ủy chủ trương thành lập những đơn vị hỗn hợp: bộ đội cảnh vệ, bộ đội phòng thủ, gồm có bộ binh, thủy đội, pháo binh, đài quan sát. Những đơn vị này đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các liên khu. Ngoài lực lượng phòng thủ cơ sở, sẽ tổ chức Cục Phòng thủ bờ bể, cơ quan giúp Bộ chỉ đạo các đơn vị và trực tiếp đào tạo cán bộ, thủy thủ và sản xuất, mua sắm phương tiện hoạt động trên biển. Số lượng phương tiện và lực lượng hoạt động cần thiết do Cục trực tiếp quản lý, gồm 20 ca nô, 36 thuyền buồm và 6 tiểu đoàn thực binh… Trên cơ sở đó, sau này đang từng bước xây dựng phát triển lực lượng Hải quân mạnh, làm nòng cốt đảm nhận nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi rộng lớn hơn, bảo vệ vững chắc bờ biển, vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Đề án xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển được Tổng Quân ủy thông qua là cơ sở quan trọng trong xác định phương hướng để tiến hành các hoạt động, tiến tới sự ra đời một lực lượng mới, một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 7 tháng 5 năm 1955, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ. Nhiệm vụ của Cục là giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này là quân khu). Đồng chí Nguyễn Bá Phát được cử làm phụ trách Cục Phòng thủ bờ bể.

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn