Sách Hàn Thi Ngoại Truyện cho gà có 5 đức: nhân, dũng, tín, võ, văn. Có ăn thì gọi nhau là nhân; có chí phấn đấu hăng hái là dũng; đêm gáy đúng gọi là tín; chân có cựa sắc là võ; đầu có mào đỏ là văn.
Thực ra có ăn thì gọi nhau chưa chắc đã đúng hẳn, chỉ thấy con trống gọi con mái hay gà mẹ gọi con chứ những loại sàn sàn bằng nhau thì cùng tranh nhau mổ nhau ra trò.
Họ hàng nhà gà còn được tiếng tự lập, siêng năng biết bới móc tìm mồi, có khi không cần đến chủ nuôi như loài lợn loài chó. Bên cạnh cái đức siêng năng dậy sớm gà lại mắc cái tật là khi mặt trời chưa lặn đã loáng quáng tính chuyện rủ nhau đi nằm, bỏ mặc mọi việc không thèm nhìn ngó gì tới nữa. Chính cái thói xấu này lại giúp cho nhà nông đoán định được giờ giấc để lường công việc: “Cối gạo này chỉ giã độ lúc gà lên chuồng là trắng” Và còn dùng để mắng những người không để ý đến những cái chung quanh: “Đồ quáng gà hay sao mà lại dẫm lên cái bát tao để đó?”. Và dậy sớm thì ban ngày hay buồn ngủ. Nhiều buổi trưa nắng bên những cụm tre hay những ngày mưa gió đứng ủ rủ bên mái hiên, họ hàng nhà gà cứ thỉnh thoảng nhắm mắt thiêm thiếp đúng theo cái kiểu ngủ gà ngủ gật.
Gà mẹ chăm sóc gà con là biểu hiện tình mẫu tử. Mỗi khi có quạ hay diều hâu định sà xuống bắt gà con là gà mẹ xù lông lao mình về phía địch thủ để chiến đấu bảo vệ đàn con thơ ngây. Lúc thường mắt chị trông rất hiền lành nhưng khi đó sao hung dữ thế. Đàn gà con không bao giờ dám rời mẹ, hơi đi xa một chút là nháo nhác ngay, chỉ sợ “Sểnh nạ quạ tha”, quạ mổ.Diều hâu hay bắt gà con là do tích truyện kể rằng xưa gà với diều vốn ăn ở với nhau rất tử tế nhưng một hôm gà bắt được một con nhái, có hai vợ chồng diều lại tranh. Gà cậy gần nhà, vả lại số đông, gọi cả đàn lại đánh. Hai vợ chồng diều chết. Diều con thấy cha mẹ chết mà không làm gì được rủ nhau kiện tại nơi quan phủ Thanh Lâm là ông Vũ Văn Công. Chẳng may gà lại có họ hàng bà con với Công nên Công không bắt tội gà, lại xử hòa, Diều căm giận bảo nhau từ giờ không cậy vào ai nữa, chỉ tự mình tìm cách báo thù. Cái mối thù kết mãi đời đời kiếp kiếp, thành đến bây giờ diều thấy gà đâu là Diều thế nào cũng đâm bổ xuống bắt.
Ngoài những đức tốt gà lại có đầy rẫy những nết xấu. Anh chàng gà trống trông chỉ có bộ gió vậy thôi chứ thực ra sức lực anh rất yếu. Cứ trông anh làm ái tình thì đủ rõ. Xòe cánh ré ré ầm lên có vẻ hung hăng lắm, đến lúc được chị mái đồng tình bằng cách nằm xệp xuống đất để anh trống nhảy lên lưng, thì khi nhảy lên chàng ta chỉ tắc mấy cái là xong cuộc truy hoan. Thật chán mớ đời. Gà còn tính xấu là hay đua nhau đuổi mổ những con gà lạ bén mảng sang khu vực mình, thế mới có chuyện “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Ngoài ra lại mắc tiếng bới bậy, bới bạ nữa. Mấy đám mùi, vạc, cải, khóm, rau chủ trồng mới nhu nhú được mấy hôm đã bị mấy con gà quái ác kéo nhau bới cho chếch gốc, trốc cây, mấy đám đậu, vồng khoai vừa mới nhum nhủm gà ta đã vầy nát bông, nát lá.
Lời tục xưa nay ví cũng thườngMẹ gà con vịt xiết tình thương!Nâng niu cũng tưởng nên vai vóc,Khôn lớn nào ngờ khác thịt xươngCắc cớ bởi ai xui tráo chác.Nhọc nhằn nên phải gắng toan đương.Một mai dầu nhãn nên lông kiếng (cánh)
Chớ phụ thân này chịu nắng sương.
Hoàng Văn
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn